Chưa đến Tết mà chồng Thoa đã liên tục dặn dò, thúc ép: "Cô làm thế nào thì làm, Tết nhất cũng phải biếu mẹ chồng ít thì 5 triệu nhiều thì phải là 10 triệu như mọi năm nhé!". Kèm theo đó là một loạt danh sách đối nội, đối ngoại của chồng mà không hề có một chỗ nào dành cho bố mẹ đẻ của Thoa.
Đối ngoại là quà cáp lãnh đạo cơ quan chồng bao gồm cả trưởng phòng, các phó giám đốc và giám đốc. Chưa kể, chồng Thoa còn yêu cầu phần đối nội là quà cáp bố mẹ chồng và tất cả các anh em nội ngoại của bố mẹ chồng. Còn với Thoa, chồng chỉ ngắn gọn: "Xong hết tất cả, em cân đối còn được bao nhiêu thì Tết ông bà ngoại". Thoa nghe mà đau tận đáy lòng.
Riêng số tiền Tết biếu bố mẹ chồng cũng gần bằng số tiền lương của cả hai vợ chồng. Nếu cộng tất cả các khoản quà cáp, đi lại, mua sắm dịp Tết thì con số sẽ rất lớn trong khi số tiền Tết của lương tháng 13 của cả hai vợ chồng cũng quá nhỏ nhoi so với số tiền sẽ phải chi. Thuyết phục chồng thay đổi ý kiến cũng không đơn giản. Càng đến gần ngày Tết, lòng Thoa như lửa đốt.
Sau mấy ngày trăn trở, suy tính cuối cùng Thoa cũng đánh "bài ngửa" với chồng. Mở đầu cuộc trao đổi, Thoa hỏi chồng Tết này anh định đi Tết ông bà ngoại thế nào, cần cụ thể chứ không phải là có bao nhiêu đi bấy nhiêu như lời trước đó. Chồng Thoa tiếp tục lảng tránh bằng câu thôi tùy ý vợ. Nghe vậy Thoa cũng nói thẳng, vậy thì ngang bằng với ông bà nội nhé. Nghe vậy, chồng Thoa giãy nảy tiếp tục ra điều kiện ít nhất Tết bên nội cũng phải bằng năm ngoái chứ không thể kém hơn.
Thoa tiếp tục giãi bày quan điểm bố mẹ hai bên cũng phải như nhau, không thể coi bên này hơn bên kia kém, có bao nhiêu biếu bấy nhiêu đó là tấm lòng là chính, ông bà cũng không đòi hỏi gì nhiều, đưa bao nhiêu ông bà hai bên cũng đều quý trọng.
Sau đó, Thoa liệt kê ra rất nhiều khoản không riêng gì chuyện quà cáp mà còn đủ thứ phải chi như mua sắm Tết, tiền đi lại về quê nội ngoại, tiền mừng tuổi… Cả năm nay, kinh tế gia đình khó khăn do dịch bệnh nên dù thắt chặt chi tiêu rồi, tiền dành dụm cả năm cũng không đáng là bao. Mà tiền lương, thưởng dịp Tết cũng không đủ tiêu Tết huống chi còn quà cáp nhiều nơi.
Chồng Thoa lúc này mới nhận ra rằng, những lời vợ nói có lý. Những năm trước doanh số công ty tăng trưởng nên cũng được thưởng khá, cộng với chi tiêu hợp lý cả năm mà có đủ tiền dùng trong dịp Tết. Năm nay, lương thưởng đúng là không đáng là bao. Cộng hết vào cũng chỉ được khoảng 20 triệu, khéo lo thì đủ dùng, quà cáp biếu xén sẽ phải kiếm cách ứng trước lương hoặc vay mượn.
Thoa tiếp tục phân tích cho chồng hiểu, ông bà nội dù ở quê nhưng vẫn có lương hưu, có ruộng vườn nên kinh tế cũng không phải khó khăn, thậm chí ông bà còn thường xuyên gửi gạo, rau, trứng lên cho con cháu. Việc biếu ông bà tiền Tết là thể hiện báo hiếu, bao nhiêu cũng không đủ công lao của ông bà. Nhưng thực tế hiện nay khó khăn, trong khi ông bà vẫn đủ tiêu thì quà cáp làm sao cho ông bà vui mà vợ chồng vẫn thể hiện tấm lòng báo hiếu. Còn ông bà ngoại, làm nông nhưng cũng không khó khăn, Tết ông bà chỉ mong con cháu về chơi, quà cáp cũng không quan trọng gì.
Chồng Thoa đã hiểu mọi nhẽ, nhưng cái khó của anh là con trưởng cũng phải chu toàn cho không chỉ bố mẹ mà còn là họ hàng đôi bên, nếu không quà cáp đúng là dễ bị chê bai, so sánh với những người con, người cháu khác. Được chồng ủng hộ, Thoa liền nhận trách nhiệm việc chi tiêu, quà cáp để sao cho hợp lý, tránh lãng phí.
Vậy là Thoa lên kế hoạch chi tiêu Tết, chỉ mua sắm những thứ thật cần thiết. Đối với quà cáp, Thoa cất công về quê chọn mua đặc sản quê hương để biếu lãnh đạo cơ quan mình và chồng. Thoa cũng bỏ thời gian săn các món quà chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi đang được giảm giá. Vậy là, Tết này ông bà nội ngoại đều có quà ý nghĩa và có cả tiền lì xì nữa.
Chồng Thoa từ chỗ áp đặt, gia trưởng giờ đã hài lòng với tài ứng xử khéo léo của vợ. Dù Tết này sẽ không còn "oách" như các năm trước, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những món quà hay tiền Tết dẫu không đắt tiền nhưng đó thể hiện tấm lòng tri ân, báo hiếu trong đối nội, đối ngoại của gia đình.