Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần cũng là lúc các chị em quay cuồng với đủ công việc cơ quan rồi việc sắm tết gia đình, biếu tết nội ngoại. Chuyện biếu Tết cho nhà nội hay nhà ngoại nhiều hay ít còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của hai vợ chồng. Với đa phần các gia đình, khoản biếu Tết bố mẹ hai bên sẽ đều như nhau song với nhiều gia đình, câu chuyện lại không đơn giản như vậy.
Từng "nghe thôi đã thấy hãi", cô vợ trong những dòng tâm sự dưới đây không ngờ sau này mình lại lấy phải ông chồng gia trưởng. Song, ai cũng có mặt chưa tốt, cô biết chồng mình tuy gia trưởng nhưng biết chăm lo cho gia đình, không tệ nạn. Vấn đề chỉ phát sinh mỗi khi Tết đến, chồng cô luôn cho rằng mình biếu Tết nhà ngoại nhiều tiền là xong hết mọi nghĩa vụ.
"Lúc trước mỗi lần nghe các chị làm cùng phòng than thở rằng khổ vì lấy phải chồng gia trưởng, em đã thấy hãi. Tiếc rằng, người tính chẳng bằng trời tính, cuối cùng em lại vớ ngay phải gã chồng gia trưởng. Chỉ nghĩ thôi em đã thấy chán.
Em với lão yêu 2 năm mới cưới chứ không phải là vội vàng, hấp tấp không kịp tìm hiểu, có điều yêu với cưới khác nhau một trời một vực. Lúc yêu lão chiều chuộng tâm lý với bạn gái bao nhiêu thì lúc cưới về lão lại gia trưởng, bảo thủ bấy nhiêu. Thật sự trước với sau cưới lão như 2 con người khác biệt khiến em gần như không nhận ra nổi.
Phải thừa nhận lão nhà em biết kiếm tiền nên mấy năm làm vợ lão, em hầu như không phải lo kinh tế. Đổi lại, lúc nào lão cũng chỉ biết tới công việc, không bao giờ chia sẻ việc nhà với vợ. Trong đầu lão luôn "găm" một quan điểm, việc của đàn ông là thương trường, bàn giấy, việc của đàn bà là bếp núc, con cái, chăm sóc bố mẹ chồng. Từ ngày lấy nhau, chưa bao giờ em thấy lão động chân động tay vào bếp. Vợ ốm nằm bẹp không nấu được đồ ăn thì lão vác con ra hàng, cùng lắm là mua cho vợ cặp lồng cháo chứ nhất quyết không nấu.
|
Ảnh minh hoạ. |
Nhiều lúc em cũng chán nhưng nghĩ thôi thì ai cũng có mặt này mặt kia, vợ chồng phải nhìn vào mặt tốt của nhau mà sống. Lão vô tâm, gia trưởng thật nhưng được cái tu trí, không cờ bạc, không gái gú cũng là tốt rồi, còn lại thì em chịu khó vất vả một chút.
Nhưng em ghét nhất là lão phân biệt đối xử giữa hai bên nội ngoại. Lão luôn cho rằng phụ nữ lấy chồng là hết, thế giới của em sau khi lấy lão chỉ có gia đình nhà chồng. Lão luôn yêu cầu em phải chăm sóc chu đáo cho nhà nội, thế nhưng với nhà ngoại lão cứ dửng dưng như không. Cả năm lão chỉ cho vợ con về quê ngoại có 1, 2 lần. Tính tới Tết này em với lão cưới được 5 năm mà chưa Tết nào được về ngoại đón Tết. Năm nào cũng mùng 4 mới được về, sáng mùng 5 lại lên xe đi sớm cho lão kịp mở cửa hàng.
Tết đến, nhận lương thưởng xong lão sẽ bảo em chuyển khoản về biếu bố mẹ đẻ. Với lão, thế là xong nghĩa vụ. Hôm qua cũng thế, lão đi làm về đưa cho vợ 20 triệu giục chuyển về biếu ông bà ngoại. Em thấy thế bảo: "Anh ơi, mùng 3 ông bà ngoại tổ chức lễ thượng thọ cho cụ nội nên năm nay vợ chồng mình về ngoại sớm một chút được không, để xem bố mẹ có cần mình phụ giúp gì. Mùng 2 về anh nhé".
Em nhẹ nhàng nói thế, vậy mà vừa dứt lời lão đã đập phịch tay xuống bàn trợn mắt mắng vợ "đầu không có não", không biết suy nghĩ. Lão nói đàn bà lấy chồng rồi còn muốn lo việc nhà ngoại thì xách đồ về ngoại mà ở.
"Tiền thay người rồi, sao phải về sớm. Tết năm nào tôi cũng đưa cho bố mẹ cô từng ấy tiền, thế mà cô không biết điều, còn giở thói có voi đòi tiên. Thích thì về đó mà sống".
Nghe lão nói mà em muốn nổi điên. Thật sự trước giờ em luôn nín nhịn chồng nhưng tới lúc ấy em không kiềm chế được. Em ném luôn cọc tiền của lão xuống mặt bàn, gằn giọng:
"Anh nghĩ bố mẹ tôi cần tiền của anh tới thế à? Nói cho anh nghe, cái bố mẹ tôi cần là tình cảm, là những giây phút được quây quần với các con trong ngày lễ Tết chứ không phải năm nào anh cũng đưa cho họ cọc tiền rồi về lướt qua nhà như một vị khách vãng lai. Bố mẹ già cần tình cảm chứ không cần tiền. Còn anh thấy mấy chục triệu của anh nó to thế thì anh ôm lấy mà sống. Tôi sẽ đưa con về đón Tết với ông bà ngoại".
Nói xong em đi thẳng về phòng, đóng sầm cánh cửa khiến lão giật nảy người, trợn mắt nhìn theo. Nói thật lúc ấy em tưởng lão sẽ gào lên bảo em láo hỗn các kiểu cơ. Thế mà lúc sau lão lại mò về phòng, xuống giọng với vợ:
"Được rồi, năm nay thắp hương mùng 1 bên nội xong anh sẽ đưa luôn 3 mẹ con em về ngoại chúc Tết, ở tới mùng 5 mới về là được chứ gì. Anh biết là anh hơi vô tâm, rồi từ từ anh sẽ sửa, vợ đừng giận anh nhé".
Không ngờ em nổi khùng mà làm lão thay đổi. Thế mới biết, nhịn mãi không phải là cách hay. Thi thoảng chị em chúng mình phải vùng lên mới khiến các lão nhận ra cái sai của mình các chị ạ".
"Con giun xéo lắm cũng quằn", cô vợ này sau 5 năm lấy chồng đã quyết định "vùng lên" để chồng không còn suy nghĩ coi thường nhà ngoại. Ai cũng có nhà nội, nhà ngoại và không có lý gì một trong hai nhà lại bị xem nhẹ hơn nhà kia. Nói ra hết suy nghĩ của mình và dự định sẽ đưa các con về nhà ngoại ăn Tết, cô vợ không ngờ chồng mình sau một hồi suy nghĩ đã nhỏ nhẹ đến vỗ về vợ. Không biết nếu không "tức nước vỡ bờ" một lần thì bao giờ anh chồng mới nhận ra sự vô tâm của mình phải không các chị em?