Mẹ chồng em làm kinh doanh nhỏ, bà rất mau mồm miệng nhưng lại chua ngoa, nóng tính. Bà thường xuyên quát nạt, bắt mọi người trong nhà phải làm theo ý mình. Tất nhiên em cũng không phải là ngoại lệ.
Từ chuyện nấu nướng, dọn dẹp trong nhà đến chuyện ăn uống lúc bầu bí thế nào mẹ chồng cũng đều bắt em làm theo ý bà. Hễ em phản ứng lại 1 chút là bà ngay lập tức gọi điện cho mẹ đẻ em bù lu bù loa mọi chuyện, bắt bố mẹ em "mang con về dạy lại".
|
Ảnh: Pexels |
Vì thương chồng và không muốn bố mẹ đẻ phải nghe mẹ chồng mình đay nghiến nên em cố nhịn. Chia sẻ với chồng thì không phải lúc nào anh cũng hiểu. Vì thế, mấy tháng gần đây e cứ thấy mình u uất, chán nản.
Hơn 1 tháng nữa em sẽ sinh cháu, em có ngỏ ý muốn được về nhà ngoại thời gian ở cữ để bà nội đỡ vất vả nhưng thực sự là em lo mình sẽ trầm cảm, không thể chịu đựng được nếu phải chăm con, ăn uống kiêng cữ theo ý mẹ chồng.
Mẹ chồng em nghe xong nổi đóa bảo với chồng em vô phúc lấy phải vợ ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình mà không quan tâm đến thể diện nhà chồng. Vợ chồng em cũng vì thế giận nhau.
Em phải làm sao bây giờ chị ơi?
(Hà My – Hà Nội)
Chuyên gia tâm lý
Tôi rất buồn khi đọc tâm sự của bạn. Một người phụ nữ trong hoàn cảnh như bạn sẽ rất buồn khổ, cay đắng vì không có được hạnh phúc trọn vẹn dù đã kết hôn với người mình yêu thương.
Lập gia đình, lấy một người mình rất yêu nhưng ngay lập tức gặp nỗi bất hạnh vì mẹ chồng chua ngoa, luôn bắt mọi người phải làm theo ý mình đã khiến bạn mệt mỏi, sống trong không khí như đang bị đầu độc dù đang mang thai.
Tôi có 2 điều muốn chia sẻ với bạn. Thứ nhất, một mối quan hệ tốt đẹp cần được xây dựng từ cả hai phía. Ở đây quan hệ của bạn và mẹ chồng chắc chắn đã có sự khập khiễng, bạn thì mong mẹ con hòa hợp vui vẻ nhưng mẹ chồng lại luôn lấn lướt và không coi trọng con dâu.
Sẽ rất mệt mỏi và nguy hiểm nếu chuyện này cứ kéo dài. Chính vì thế, bạn cần tìm cách để giải quyết chứ không để tình trạng mâu thuẫn âm ỉ. Đến một ngày nào đó nó bùng phát sẽ gây ra những hậu quả khó ngờ.
Điều thứ 2, để thoát được khỏi câu chuyện này thì giải pháp về nhà mẹ đẻ ở vài tháng rồi quay lại sẽ không cải thiện được bao nhiêu. Bạn nên trò chuyện, nhờ chồng của bạn tác động thêm, nhất là ở thời điểm bạn sắp sinh.
Bạn nên nói để chồng hiểu rằng: “Em rất yêu anh, rất muốn vợ chồng hạnh phúc. Em cũng đã chịu nhiều áp lực, suy nghĩ nhiều thời gian ở chung với mẹ. Nếu tiếp tục sống chung, va chạm với em sẽ càng đau khổ, mệt mỏi. Khi có con phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên mong anh sẽ có một giải pháp hợp lý cho chuyện này. Em mong mẹ tôn trọng, coi em là người con, nếu có gì không vừa ý thay vì mắng chửi có thể ôn tồn, góp ý để em rút kinh nghiệm. Không khí trong nhà vui vẻ, đầm ấm hơn, như vậy cũng sẽ tốt cho em và con”.
Tôi nghĩ khi bạn nói ra những điều này, chồng bạn sẽ hiểu ra và tìm cách giúp bạn bày tỏ mong muốn của mình với mẹ chồng, từ đó giúp bà thay đổi phần nào. Nên nói chuyện khéo léo để mẹ chồng không tổn thương và có cảm giác con trai chỉ nghĩ đến vợ, không yêu thương mẹ sẽ làm câu chuyện càng thêm phức tạp.
Mặt khác, bạn cũng nên nhìn nhận xem mẹ chồng độc đoán, nói chuyện hơi cay độc nhưng có phải là người rất chăm lo, vun vén, dành mọi điều tốt đẹp cho gia đình? Đừng chỉ nhìn vào những điểm xấu hay lời nói của bà mà nên có sự bao dung, nhìn thật tâm của mẹ chồng bạn.
Nếu thực sự bà vừa ác vừa không nhân hậu, không biết điều, không bao giờ nghĩ cho người khác thì bạn mới nên tìm cách ra ngoài sống riêng.
Nếu không có điều kiện mua nhà hay sống độc lập bên ngoài, bạn vẫn có thể tạo ra những khu vực như phòng riêng để được sống thoải mái như ý của mình. Thậm chí, vợ chồng bạn có thể đề nghị được ăn riêng để tránh đi những va chạm không đáng có.
Bạn sắp sinh con vì vậy điều quan trọng nhất là bạn phải giữ cho mình sự bình tâm, vui vẻ và độc lập. Đừng nghĩ nhiều quá đến mẹ chồng mà hãy giữ sức khỏe, học cách chăm sóc con để không phải trông cậy vào người khác khi sinh con. Như vậy, bạn sẽ đỡ được rất nhiều áp lực và tránh được trầm cảm sau sinh.
Chúc bạn sớm giải quyết được những mâu thuẫn và sinh bé thật khỏe mạnh nhé!