Chồng tôi làm bảo vệ trường học, tôi sinh con xong thất nghiệp nên ở nhà làm chăn nuôi, ruộng vườn. Anh ấy hơn tôi 8 tuổi và có suy nghĩ khá chín chắn. Mỗi khi tôi than thở về cảnh vất vả, thua thiệt so với anh em, bạn bè là chồng tôi lại an ủi, động viên.
Anh luôn miệng bảo: "Em đừng nghĩ giàu có đã sướng, anh thấy nhiều gia đình lúc nghèo thì vợ chồng đầm ấm, yêu thương nhau. Khi họ có tí tiền của lại đổ đốn, thay lòng đổi dạ đấy".
Bạn bè cùng xóm, ai cũng tấm tắc khen tôi lấy được người chồng tâm lý, chăm chỉ. Mọi người bảo "nghèo thì lâu, giàu mấy chốc", thế nào rồi gia đình tôi cũng có lúc "phất" lên.
Tôi thấy vững dạ hơn khi chồng đến tháng lương là đưa cho vợ chi tiêu, chỉ giữ lại vài trăm trong túi để đổ xăng xe và tiêu vặt. Vì thế, tôi càng đầu tắt mặt tối chăm lo cho gia đình.
3 năm trước, xã tôi thành lập tổ vệ sinh môi trường, trả lương theo tháng. Tôi thấy công việc không có gì vất vả nên nhanh nhẹn nộp đơn. Hàng ngày tôi đi theo xe thu lượm rác khắp thôn xóm để dồn đổ về nơi tập kết. Tôi vẫn cáng đáng thêm mấy sào ruộng và chăn nuôi lợn gà ở nhà.
Cô bạn thân cùng ngõ rỉ tai: "Làm vừa thôi, đến lúc già, xấu xí ra đấy, chồng theo gái là mất cả chì lẫn chài".
Tôi cười xòa vì nghĩ: "Sức mình còn trẻ khỏe, tội gì không làm để có thêm đồng ra đồng vào. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, nhà cửa sập xệ không làm thì lấy gì mà ăn?".
|
Ảnh minh họa. |
Năm ngoái, mảnh ruộng của vợ chồng tôi rơi vào con đường mới mở nên được đền bù 300 triệu. Đang từ cảnh giật gấu vá vai, vợ chồng tôi bỗng nhiên trở thành người có của ăn của để.
Chúng tôi liền phá bỏ căn nhà cấp 4 tồi tàn và xây luôn ngôi nhà 2 tầng khang trang. Từ lúc có nhà mới, 2 vợ chồng tôi đi đâu cũng được mọi người thân mật, nể nang hơn trước.
Nhiều người còn đoán già đoán non kiểu gì vợ chồng tôi cũng có sổ tiết kiệm cả trăm triệu gửi ngân hàng. Tôi thật thà bảo, có tí tiền xây nhà hết nên không còn tiền để gửi ngân hàng.
Tôi vẫn ở trong tổ vệ sinh thu gom rác của xã, vẫn trồng rau nuôi lợn, gà như trước. Tuy nhiên, vì lo làm nhà, rồi lại lo làm ăn nên tôi gầy sạm đi, mặt nổi đầy tàn nhang, tóc tai xơ xác.
Mẹ tôi có lần khuyên: "Bớt làm đi con ạ, dạo này mẹ thấy mày già hơn cả chồng rồi đấy". Tôi cũng định bụng, cố thêm 5 năm nữa để tích lũy được ít tiền lo cho các con rồi bỏ bớt việc nhân viên vệ sinh, chỉ chăm lo vườn tược ở nhà.
Thế rồi một ngày, cô Thoa cùng ngõ gặp tôi ngoài chợ thì thào kể chuyện cả tháng nay thấy chồng tôi hay lui tới quán cắt tóc gội đầu ở làng bên. Cô bảo cô đi thăm đồng, hái rau chạy chợ thấy xe máy chồng tôi dựng chình ình trước cửa quán suốt.
Tôi bán tín bán nghi vì dạo này chồng tôi chỉ đưa vợ 2 triệu còn lại anh giữ để lo mua thuốc thang chữa bệnh gai cột sống, đau dạ dày. Tôi còn giục chồng chịu khó ăn uống, tẩm bổ, nào ngờ...
Tôi xin nghỉ chân thu gom rác ít bữa rồi bí mật theo dõi hành tung của chồng. Hóa ra cứ tan ca trực đêm là chồng tôi lại ghé vào đấy vui vẻ đến tận gần trưa mới về nhà.
Hôm nào làm ca ngày anh cũng la cà vào đấy đến tận 7 giờ tối, đúng giờ cơm mới xuất hiện và bảo vợ là đi đánh cầu lông với mọi người… Sau một tuần theo dõi, tôi đếm được chồng đi cắt tóc gội đầu 6 lần.
Tối đó, tôi ngồi chất vấn chồng. Anh ta cãi bay còn chửi tôi là ghen tuông vớ vẩn. Khi tôi đưa ra bằng chứng là mấy chục cái ảnh tình tứ, anh ta mới ú ớ.
Tuy nhiên, chỉ sau phút tái mặt, anh ta bỗng thay đổi thái độ. Anh mắng tôi xối xả, bảo người tôi lúc nào cũng hôi hám khiến anh chán. Anh nói, chính tôi đã đẩy anh vào vòng tay cô chủ quán cắt tóc gội đầu lúc nào cũng nõn nà, thơm phức.
Anh ta còn gầm lên đòi tôi phải chấp nhận cảnh “đuổi bướm bắt hoa” của anh. Nếu không anh mời tôi bước khỏi nhà.
Tôi đau đớn quá, hóa ra tôi quần quật tối ngày lo kiếm tiền mà vẫn bị chồng ngang nhiên phản bội. Tôi thấy thật hối hận vì không chịu nghe lời cảnh báo nhắc nhở của mẹ và người bạn thân...