Mùa dịch bệnh đúng là gây ra bao nhiêu hệ lụy, nhất là đối với những người phụ nữ như Ly. Cô đã phải trải qua 2 tuần chạy đôn chạy đáo đủ các loại việc trên đời chỉ vì con gái phải nghỉ học.
Ly kể, vợ chồng cô ở trên Hà Nội, cả bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đều ở quê. Thực ra người chủ động lên đây lập nghiệp là Ly, cũng may mà chồng cô hiểu và ủng hộ quyết định của vợ. Từ ngày cả nhà chuyển hẳn lên đây sống Ly mới thấm câu của các cụ "xa thơm gần thối". Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được cải thiện hẳn mà thi thoảng mới về nhà ông bà lại quý con cháu hơn.
Đợt vừa rồi có dịch Covid-19 , con gái Ly phải nghỉ học tính đến nay đã nửa tháng rồi. Tuần đầu tiên thì cô xin làm ở nhà 3 ngày, 3 ngày còn lại đến lượt chồng Ly nghỉ thay phiên nhau. Cuối tuần ấy cô cho con về quê chơi với ông bà, định xem thế nào gửi nhờ ông bà trông luôn. Ai dè mẹ chồng Ly nói khéo: "Để em ở đây bà cho đi bán hàng với bà cho dạn dày sương gió, con nhỉ?". Nghe thế Ly đủ biết bà không muốn nghỉ mấy buổi hàng để trông cháu rồi.
|
Ảnh minh họa. |
Còn bà ngoại thì bệnh xương khớp từ trong Tết chưa thấy thuyên giảm, ông nội Ly còn mới tai biến, bố cô vẫn phải 1 tuần 3 buổi xuống chăm ông. Vậy là chẳng còn chút hi vọng gì nên thứ 2 Ly đành đưa con lên.
Tối hôm đấy 2 vợ chồng vò đầu bứt tai, may sao Ly hỏi cô giáo của con gái mình thì cô ấy lại nhận lời trông riêng ở nhà rất vui vẻ. 2 vợ chồng thở phào nhẹ nhõm, coi như thoát 1 gánh lo.
Nhưng mọi thứ đâu dễ dàng như vậy. Ly thực sự cảm thấy bận hơn khi sáng phải dậy sớm cho con ăn sáng, nấu bữa trưa cho cả 2 cô trò rồi mới mang các loại đồ sang nhà cô giáo. Tiền công cũng 300/ buổi chứ ít gì.
Được 3 ngày trôi qua Ly thở dài than vãn: "Khéo tiền lương mẹ chẳng đủ để gửi con". Chồng cô ngồi bên cạnh xem tivi đưa tin các lễ hội bị gián đoạn, vắng khách mà anh bực dọc lẩm bẩm: "Hàng có bán được đâu mà cứ cố tham, con cái lúc này nó mới cần nhờ đến chứ, chán các bà".
Ly cau mày đập vào tay chồng: "Anh buồn cười thật, con mình mình phải có trách nhiệm, không thể đòi hỏi bắt bà trông nom được. Bà đỡ đần được thì tốt không thì thôi, sống với nhau cả đời chứ có phải ngày 1 ngày 2 đâu mà anh nói vậy mang tiếng xấu cho mẹ".
Bẵng đi cũng được 1 tuần trôi qua, Ly nghe tin nghỉ thêm tuần nữa mà như sét đánh ngang tai. Nghĩ đến cảnh lại mất 1,8 triệu tiền gửi con mà cô xót ruột. Đang bần thần thì mẹ chồng Ly gọi điện hỏi tình hình. Bỗng dưng bà thông báo: "Thu xếp quần áo cho con Bông đi, mẹ lên đón nó về ông bà chăm cho đến khi nào đi học thì bố mẹ mày về đưa nó lên. Mẹ đang ở trên ô tô rồi đây".
Khỏi phải nói chồng Ly mừng rỡ thế nào. Cô chạy ra siêu thị mua thêm sữa, bánh cho con về quê. Xong xuôi đâu đấy mà 2 vợ chồng nhìn nhau thở phào. Đột nhiên chồng Ly ôm vợ tủm tỉm: "May mà anh lấy được cô vợ khéo léo chứ cứ phát ngôn câu nào cũng dở hơi như mình thì chả ai quý nhể. Anh hỏi thật, em nói gì với mẹ mà mẹ thay đổi thái độ vậy?".
Bấy giờ Ly mới hiểu ra vấn đề. Thực ra cô thấy chẳng có gì là khéo léo cả bởi nếu mình suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực thì vấn đề sẽ dễ giải quyết hơn mà cũng đỡ nặng đầu.
Mẹ chồng hỏi Ly có trách bố mẹ không giúp được gì không nhưng cô bình thản đáp: "Thời điểm này con bé được nghỉ lâu quá, đến chúng con còn khó thu xếp nữa là ông bà. Ông thì đi trực suốt rồi, bà lại đi bán hàng. Chúng con phải đi làm cũng như bố mẹ đi làm, chúng con không được phép trách bố mẹ vì Bông là con của chúng con. Trách nhiệm chăm sóc con cái là của bố mẹ chứ không phải ông bà. Lẽ ra có mình anh Thuận là con trai, con là dâu trưởng phải ở nhà phụng dưỡng bố mẹ mới đúng. Nhưng con nghĩ tuổi còn trẻ, đi xa phấn đấu thế này bố mẹ ủng hộ là chúng con cám ơn lắm rồi. Còn cái gì nằm trong khả năng của ông bà thì con nhờ ông bà giúp".
Thì ra hôm vợ chồng Ly nói chuyện với nhau, con gái cô cũng đang facetime với bà nội, 2 vợ chồng chẳng để ý để nội dung cuộc nói chuyện lọt vào điện thoại khiến mẹ chồng cô nghe được. Nghĩ sao bà vội vàng sắp xếp công việc rồi hành động quyết đoán như vậy. Đúng là có lòng thì mọi người đều thương, Ly tin cứ đối xử tốt, đúng mực với mẹ chồng kiểu gì bà cũng thấu hiểu, chỉ là sớm hay muộn thôi.