Hai vợ chồng tôi cưới nhau được 6 năm nay. Ngày trước khi chỉ có 1 cháu nhỏ, kinh tế gia đình khá hơn nên mỗi năm chúng tôi đều biếu bố mẹ chồng 5 triệu đồng tiêu tết.
Tuy nhiên, 2 năm nay do tôi đi học cao học, hai bé đi học cũng tốn kém hơn và phải thuê giúp việc, nên 2 vợ chồng tôi làm đến đâu tiêu hết đến đó. Do đó, năm kia chúng tôi chỉ biếu được bố mẹ chồng 2 triệu gọi là chút tiền tết. Chị gái chồng thấy vậy đã luôn xỉa xói chúng tôi vì điều đó. Chị gái chồng tôi lấy chồng gần nhà, có lẽ vì thế mà vợ chồng tôi luôn bị soi mói mỗi khi về thăm ông bà nội, đặc biệt là tôi phận em dâu. Người ta nói "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng", và câu nói ấy ứng nghiệm với chính tôi khi có một bà chị chồng khá... cay nghiệt.
|
Biếu nhà chồng 2 triệu ăn Tết, tôi bị xỉa xói đủ điều. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, vợ chồng tôi là con út, trên chồng tôi là hai chị gái. Bà chị cả thì khá hiền lành, lấy chồng xa nhà 12 km nên dường như hiểu được phần nào chuyện "làm dâu xứ lạ" và cũng ít gặp nên không hay va chạm với tôi.
Nhưng bà chị hai lấy chồng gần nhà bố mẹ chồng, nhà chỉ cách độ 200 mét đúng với kiểu "có bát canh cần nó cũng mang sang". Có lẽ vì thế, cơm lúc nào cũng ăn chung với bố mẹ chồng tôi. Con của chị cũng được ông bà chăm sóc, còn nhà tôi dù là cháu nội nhưng ở xa ông bà không đi được nên đành phải thuê giúp việc. Từ năm kia tôi đi học tốn kém và phải thuê thêm giúp việc trông bé thứ 2, nên chúng tôi không có tiền như trước, làm tới đâu hết tới đó. Năm ngoái chúng tôi mua lễ Tết kèm gửi mẹ chồng phong bì 2 triệu. Mẹ chồng tôi cầm và không nói gì.
Tuy nhiên, đến chiều 30 Tết khi cả nhà đang chuẩn bị cúng tất niên, chị chồng tôi bảo: “Mợ gửi bà 2 triệu thì mua được cái gì. Nhà chị ở quê còn biếu bố mẹ chừng ấy. Giờ thịt thà cá mú đắt đỏ, bố mẹ làm gì có lương hưu, làm cái gì cũng phải hài hòa tý chứ”. Tôi cười cầu tài giải thích, 2 năm nay kinh tế nhà em khó khăn. Em sinh bé và đi học nên chẳng làm được gì, chỉ có chồng em đi làm thôi nên dạo này cũng hơi túng bấn. Chị tôi liền nói: “Tiền của chồng thì cứ việc biếu thôi, sao phải lăn tăn. Bố mẹ không tần tảo nuôi cậu Mạnh đi học đại học thì liệu có điều kiện kiếm tiền không”. Tôi chua xót với cách nghĩ có phần tiêu cực của chị, nhưng thấy mình làm em nên nhịn vài câu không chết ai. Sáng hôm mùng 1 Tết, tôi mừng tuổi bố mẹ chồng mỗi người 200.000 đồng gọi là lộc đầu Xuân. Chị chồng tôi cũng sang chúc Tết đã "lên mặt", mừng tuổi hai người mỗi người 500.000 đồng như thể, bọn tôi ở thành phố mà chả ra gì. Tôi im lặng và nín nhịn khi chị ấy còn bóng gió một câu "tưởng thành phố thế nào".
Đến Tết năm ngoái, cả Tết vợ chồng tôi trả lương giúp việc và đủ thứ tiền nên còn đúng 12 triệu đồng chi tiêu cho cái Tết "thiếu thốn đủ thứ". Tôi bảo chồng tôi biếu ông bà 5 triệu đồng, chồng tôi bảo mới mua nhà, có bao nhiêu biếu thế chứ không nhất thiết phải cứ 5 triệu đồng. Thế là tôi lại biếu như năm trước, có 2 triệu đồng và biết thể nào cũng "nhức đầu".
Và y như rằng, ngay hôm mùng 1 Tết chị chồng đã mắng vợ chồng tôi như tát nước vào mặt: “Cậu đi làm cả năm nuôi vợ, nuôi con mà cái Tết không lo được cho bố mẹ. Cậu là con trai mà lại thế à”. Chồng tôi vò đầu, bứt tóc không biết nói gì. Mẹ chồng tôi ngoài miệng thì nói chúng tôi đừng suy nghĩ gì, nhưng hễ chúng tôi làm gì hay gửi biếu gì bà cũng mách với con gái.
Năm nay, tôi không muốn mệt mỏi vì ba cái chuyện biếu xén ấy, tôi bảo chồng cứ gửi biếu bố mẹ lấy 5 triệu đồng không thì ít quá thật. 6 năm làm dâu, là khoảng thời gian thực sự khó khăn với tôi. Nghĩ lại bố mẹ đẻ, cũng ngần ấy năm chúng tôi chẳng biếu được gì ngoài túi quà ngày Tết và mấy đồng mở hàng ngày mùng 3.
Chúng tôi tự ngẫm, chung quy cũng tại vì nghèo nên bị khinh khi. Quả đúng là khi bạn nghèo thì "anh em khinh trước, làng nước khinh sau". Cũng vì thế mà giờ đây chúng tôi cũng ngày càng sợ Tết, dù một cái tết nữa đã lại đang cận kề.