3 năm về trước, Huynh không may bị một tai nạn giao thông. Kết quả của sự rủi ro đó là anh không thể đi lại bình thường được, phải bỏ dở công việc đang rất tốt đẹp ở một công ty xây dựng. Vợ Huynh thương chồng và bản chất chị là người phụ nữ hành động cho nên đã nhanh chóng mở một quán cà phê tại nhà để chồng cai quản, nhân viên cũng dăm bảy cháu. Chị biết chồng mình bấy lâu quen làm... sếp nên cũng dốc lòng để anh vẫn duy trì được nhịp sống đó.
Quán cà phê khá phát đạt. Một ông chủ bình thường ắt sẽ cảm thấy vui vì khách đông và những câu chuyện của họ luôn đầy màu sắc. Ấy vậy nhưng cái cảm giác buồn bã vẫn đeo riết lấy Huynh. Anh đề nghị vợ bỏ việc ở nhà cùng kinh doanh. Thế nhưng chị đã từ chối bởi chị là một chuyên gia giỏi, thu nhập và uy tín đều cao.
Trước kia, vợ chồng xa nhau vài ngày vì các chuyến công tác trong Nam ngoài Bắc, cả nước ngoài cũng không hiếm. Nhưng khi đó Huynh đâu có để tâm. Giờ thì đối với anh đó là những ngày tháng đằng đẵng. Nhất là thỉnh thoảng lại chứng kiến các đôi uyên ương ngồi “thiền” ở quán cà phê nhà đến cả nửa buổi, mà chỉ cần hơi chú ý chút thôi đã biết họ không phải là vợ chồng hợp pháp, “người rỗi việc” lại thấy ruột gan như lửa đốt. Điện thoại cho vợ nghe tiếng thì thào: “Em đang họp” sao mà giống cái điệu bộ của bà khách mà anh tình cờ nghe lỏm được đến thế. Cũng y chang 3 từ lừa dối đó. Quán cà phê hay thậm chí khách sạn, có khác gì cơ quan lúc đang yên ắng trong cuộc họp đâu.
Ảnh minh họa.
Các ý nghĩ tiêu cực cứ quay cuồng trong đầu khiến người chồng luôn xét nét hành vi của vợ. Dần dà, chị vợ cảm thấy quá mức chịu đựng của mình. Thời buổi khó khăn, lo giữ vững vị trí của mình đã khó, lại còn phải đối phó với máu ghen tuông nhiều khi rất vô lý của chồng.
Thực ra, thâm tâm người chồng rất biết ơn sự nhẫn nhịn hy sinh của vợ mình. Nhưng nỗi mặc cảm bệnh tật, đố kỵ với sự thăng tiến của vợ - mà anh ta không ý thức được, cộng với tính gia trưởng đã khiến anh cảm thấy mình mất vai trò quan trọng trong mắt vợ. Dù chỉ là anh cảm thấy thôi, nhưng trò đời đôi khi người ta chỉ khổ vì cái dấu “bằng”. Bản thân vợ anh cũng cảm thấy ngột ngạt với những câu tra khảo của chồng. Chị hay về muộn hơn với lý do công việc bận. Có chuyến công tác dù không cần thiết lắm chị vẫn cứ đi - là suy diễn của chồng chị thôi - chứ anh nào phân biệt được. Anh thấy chị đi công tác nhiều hơn, lại dài ngày hơn thì sôi sùng sục.
Đối mặt với thử thách của cuộc sống
Vấn đề của Huynh là vợ chồng không có sự trao đổi với nhau thẳng thắn, khi cuộc sống đặt người ta vào một thử thách mới. Anh thì ôm trong lòng mối mặc cảm nặng nề, chị thì dù thương nhưng không hiểu hết chồng, do đó năng lực chia sẻ bị hạn chế. Ngày nối ngày, khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng rộng mãi ra. Đến một lúc nào đó, người này trở thành ốc đảo với người kia. Sự xa cách tâm hồn ắt dẫn đến sự thưa vắng những âu yếm, đôi khi hơi suồng sã nhưng lại chính là chất men gắn kết vợ chồng. Rồi một ngày kia cả hai đều cảm thấy nếu chạm vào nhau là... ngượng. Con đường dẫn đến ly thân, thậm chí xa hơn thế nữa... đã dần dần thành hình.