|
Ông Xuân đặt lịch chăm sóc cây cảnh. |
Sinh năm 1932, thuở nhỏ ông được học chữa Hán và chữ Quốc ngữ. Năm 1954, ông được điều động đi dạy học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Gần chục năm trời sống nơi rừng thiêng nước độc, ông bị bệnh sốt rét mạn tính nên xin về tĩnh dưỡng ở quê hương. Ông nghĩ muốn làm gì cũng phải có sức khoẻ, vì vậy, gia đình tìm thuốc chữa bệnh còn bản thân ông tự rèn luyện để nâng cao sức khoẻ.
Nhà ở ven tả ngạn sông Đà, nên cứ mỗi buổi sáng lúc 5h ông dậy tập bài thể dục dưỡng sinh thái cực quyền rồi chạy bộ dọc bờ sông, xuôi ngược chừng 3km, sau đó xuống bến tắm nước sông Đà, mùa đông về tắm nước nóng.
Khi sức khoẻ được hồi phục ông tính chuyện làm kinh tế bằng nấu rượu, lấy bã rượu nuôi lợn, lúc nào trong chuồng nhà ông cũng có hai đàn lợn nái và hàng chục lợn thịt, làm ăn có hiệu quả kinh tế thì ông bàn giao cho con cháu, ông chuyển sang trồng hoa, cây cảnh. Vào khoảng 10 năm trở lại đây, vườn cây của ông có nhiều loại cây quý như si, sanh, tùng, bách, lộc vừng... có nhiều cây giá trị hàng chục triệu đồng.
Hằng ngày, ông đặt lịch chăm sóc, cắt tỉa, uốn nắn, tưới nước cho cây. Ông là hội viên của Hội Sinh vật cảnh xã, không những ông chăm sóc cây cảnh cho mình mà còn đi giúp đỡ cắt tỉa, uốn nắn cây cho các hội viên khác trong xã. Mỗi ngày, ông lao động trong vườn cây 2 tiếng buổi sáng, 1 tiếng buổi chiều, 1 tiếng đọc báo, viết thư pháp... Đặc biệt, chiều nào ông cũng mang cái bàn con, một ghế dựa ra ngồi dưới gốc cây xanh ngắm cảnh và đọc truyện Kiều.
Sinh hoạt ăn uống của ông cũng rất đơn giản, thanh đạm nhưng đủ chất, điều độ. Ông không thức khuya, sau ăn tối ông xem hết chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, thời sự tỉnh Phú Thọ thì đi ngủ. Ông không nghiện rượu, bia, không hút thuốc lá, thuốc lào, người ông nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, không còn bệnh tật, không phải đi viện.
Ông nói với mọi người, phải giữ gìn sức khoẻ bằng cách cân bằng âm dương, hòa khí làm cho tâm hồn thư thái thì mới khoẻ mạnh, sống lâu được. Những khi nhàn rỗi ông thường đọc truyện Kiều và tìm những câu nói hay để răn dạy con cháu. Ông rất đề cao chữ tâm bởi: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" cho nên trong phòng của ông có treo một chữ Tâm ở đầu giường bằng gỗ sơn mài.
Ông Nguyễn Văn Xuân là một hình mẫu trong việc rèn luyện sức khoẻ và tâm hồn của Hội Người cao tuổi khu 5, xã Xuân Lộc.