Khi Nga mang thai cũng là lúc cô phát hiện chồng phản bội. Anh ta cặp bồ với một cô gái trẻ, xa lánh thờ ơ với vợ đang mang thai. Nga đau khổ vật vã như đứt từng khúc ruột. Cô đâu có ngờ người chồng lại phụ bạc cô vào đúng lúc cô cần sự yêu thương, nâng niu, chiều chuộng nhất. Chính những chấn động mạnh về tâm lý nên cô đã sinh ra đứa trẻ không được bình thường.
Biết con mình mắc tự kỷ nên chồng của Nga đã ra sức đổ lỗi cho bên nhà vợ, rồi cao chạy xa bay với người tình mới. Cuộc chia tay đầm đìa trong nước mắt của Nga cũng là thất bại của cuộc hôn nhân ngắn ngủi, cay đắng khiến Nga tưởng như không thể gượng dậy.
Nhưng trong lúc bi đát nhất, Nga lại nhận ra rằng trên đời này có khá nhiều cuộc ly hôn, chứ đâu riêng gì mình. Hậu ly hôn nhiều người vẫn sống tốt, thoải mái trong mãn nguyện, thành đạt. Nga có việc làm, có thu nhập tốt, có nhà cửa dù chỉ là căn nhà nhỏ. Cô cũng còn có rất nhiều người thân, bạn bè và các mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Chả nhẽ cứ bi lụy gục ngã để gã chồng bạc tình kia cười nhạo, hả hê à? Tình yêu, tình chồng vợ có thể bị đổ vỡ tổn thương chứ tinh thần thì càng không thể tổn hại. Hai mẹ con phải vượt lên mà sống.
Nga đã xốc lại tinh thần, gượng đứng dậy tổ chức cuộc sống gia đình khi đã làm mẹ đơn thân. Cô dồn sức và lực chữa trị chứng bệnh tự kỷ cho con bằng nhiều liệu pháp tốt nhất, sớm nhất và đặc biệt kiên trì. Từ việc ý thức cho con tự nhận biết được những thứ đơn giản nhất cho đến khả năng tiếp thu trong giao tiếp… Kiên trì bền bỉ, cuối cùng Nga cũng đã đạt được kết quả như mong đợi.
Dù con vẫn còn là đứa trẻ ngô nghê so với các bạn cùng trang lứa, nhưng nhận thức và các khả năng cũng không thua kém là bao. Đủ để đi học tập bình thường như những đứa trẻ khác, dĩ nhiên cả Nga và con sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong từng ngày.
Cuộc sống của Nga và con đã có thêm nhiều tiếng cười. Biết khả năng của con đến đâu, nên Nga tỷ mỉ trong chuyện lựa chọn trường học. Chọn một trường tư thục có chương trình học quốc tế là phù hợp nhất với con, bởi lớp học sỹ số vừa phải, chương trình học cũng không nặng và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác. Nhà trường, giáo viên cũng hiểu rõ và đồng hành trong việc dạy con có xuất phát "đuối" hơn so với các bạn.
Ngoài ra, Nga vẫn duy trì điều trị cho con và đồng hành với các phương pháp điều trị tâm lý của các bác sỹ dành cho con. Để có chi phí cho cuộc sống gia đình với mức chi trả cao, Nga ngoài làm chuyên môn cũng mạnh dạn hợp tác với bạn bè trong kinh doanh, mở cơ sở dịch vụ… Nên thu nhập của Nga ngày càng ổn định. Lúc con vừa hoàn thành lớp 1 cũng là lúc Nga dọn về căn hộ mới mua hiện đại, thoáng mát. Điều mà Nga khi chưa ly hôn cũng không dám mơ tới.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, con trai của Nga ở trường tiểu học đã hòa nhập được với các bạn bè cùng trang lứa. Không còn ai có ý nghĩ đó là đứa trẻ tự kỷ nữa, bởi mọi thứ đã thay đổi rất nhiều sau những nỗi lực không biết mệt mỏi của hai mẹ con. Nghĩ đến hình ảnh con vui đùa với các bạn, học tập như những đứa trẻ bình thường khác Nga lại rưng rưng nước mắt hạnh phúc với những gì đang có.
Bây giờ thì Nga tự tin và vững vàng hơn rất nhiều. Cô đã cố gắng để từng bước dạy dỗ con trai là một người đàn ông thực thụ, yêu thương và có hiếu với mẹ. Cô cũng đã không còn bận tâm đến người chồng cũ, người bội bạc đáng quên trong cuộc đời.