Căng rèm khi sống cùng F0

Google News

Sau khi bạn cùng phòng mắc Covid-19, Hằng buộc phải treo tấm rèm ngăn cách giường ngủ, xịt khử khuẩn nhà vệ sinh chung mỗi lần sử dụng.

Vừa nghe tin bạn cùng phòng trọ trở thành F0, Phạm Thị Hằng (22 tuổi, ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) không khỏi bối rối. Cô mới khỏi Covid-19 được vài tháng, đang tất bật với kỳ thực tập năm cuối nên lo kế hoạch tốt nghiệp của mình có thể bị ảnh hưởng.

Dù thế, Hằng vẫn xin nghỉ ở công ty, tự cách ly ở nhà cùng bạn.

"Trước tình hình dịch bệnh hiện tại, tôi không ngạc nhiên khi bạn mắc Covid-19, cũng tính đến trường hợp mình tái nhiễm. Tôi từng là F0, có kinh nghiệm sinh hoạt hơn nên quyết định ở nhà, vừa tự cách ly, vừa hỗ trợ bạn", Hằng chia sẻ.

Sống chung với F0

Hơn một tuần sống cùng F0, Hằng dùng một tấm rèm dày để ngăn cách không gian sinh hoạt của cả hai. Hằng nhận đặt thực phẩm, thuốc men, nấu nướng cho bạn trong thời gian tự cách ly tại nhà.

Cang rem khi song cung F0

Hằng treo tấm rèm ngăn cách giường ngủ của mình và F0.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đối với không gian sinh hoạt chung là nhà vệ sinh, đôi bạn luôn khử khuẩn mọi bề mặt sau khi sử dụng. Hằng cũng chuẩn bị sẵn một vài loại thuốc như thuốc ho, hạ sốt, nước điện giải và bình xịt mũi, họng cho bản thân, phòng trường hợp cấp thiết.

"Trong vòng 10 ngày, tôi đã hỗ trợ F0 bằng kinh nghiệm của mình. Chúng tôi đeo khẩu trang mọi lúc, kể cả khi đi ngủ. Dù lo lắng, tôi vẫn cố gắng suy nghĩ tích cực và duy trì nhịp sinh hoạt, học tập của mình. Thi thoảng, chúng tôi cũng tập thể dục cùng nhau qua tấm màn chắn để nâng cao sức khỏe", cô kể.

Chia sẻ với Zing, Hằng cho biết sinh hoạt và công việc của mình cũng bị ảnh hưởng ít nhiều trong những ngày qua.

"Cũng may là tôi được nhà trường tạo điều kiện cho học online, còn kỳ thực tập cũng bị trễ nải trong một tuần vì không thể lên học tập, làm việc được. Tôi không cảm thấy hối hận vì mình đã cố gắng bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng trong tình huống đó".

Cũng sống chung phòng trọ với bạn là F0, Nguyễn Thị Bích Phương (24 tuổi, quận 7, TP.HCM) mang tâm lý rất hoang mang bởi cô chưa từng mắc bệnh. Cô chỉ mới tiêm một mũi vaccine Covid-19 vì lựa chọn cá nhân, do vậy càng lo lắng cho sức khỏe của mình.

Theo Phương, khoảng ngày 17/2, bạn cùng phòng cô bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ. Mặc dù thời điểm đó bạn mình chưa có kết quả xét nghiệm dương tính, Phương đã chủ động cách ly bằng việc ghé phòng một người quen để ngủ nhờ.

"Đến khi que test Covid-19 của bạn tôi hiện 2 vạch, tôi nhanh chóng mua kit test tự 'chọc mũi' mình. Tôi thở phào vì kết quả vẫn là âm tính, nhưng trong đầu thật sự vẫn lo sợ mình có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào", Phương nói.

Cang rem khi song cung F0-Hinh-2

Phương ngủ tại sofa sau khi bạn cùng phòng dương tính nCoV.

Suốt nhiều ngày sau đó, chỉ một dấu hiệu sức khỏe nhẹ như mệt mỏi, đau đầu, Phương đã nghĩ mình mắc Covid-19. Cô liên tục test nhanh, sử dụng đũa riêng tại văn phòng và tránh tiếp xúc quá gần với đồng nghiệp để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Không thể ngủ nhờ lâu ngày, Phương quyết định về nhà sinh hoạt cùng F0. Tuy nhiên, thay vì ngủ chung như trước đây, cô mang chăn, gối ra ghế sofa nằm, luôn đeo khẩu trang và xịt cồn khử khuẩn mỗi lần vào khu vực nhà vệ sinh.

"Sống cùng nhà với nhau, việc cách ly là rất khó. Ví dụ, khi tôi đang ngồi ở sofa, bạn tôi ra nấu ăn, uống nước thì đâu thể tránh được. Tôi cũng muốn ở nhà để nếu bạn mình cần sự giúp đỡ, tôi cũng có thể hỗ trợ ngay", Phương bày tỏ.

Sau khoảng 10 ngày, người bạn khỏi bệnh và Phương vẫn không dương tính. Cô cho rằng vì mình may mắn, ngoài ra còn do trước đó luôn chú ý bảo vệ sức khỏe chứ không lệ thuộc vào vaccine.

"Tôi có thói quen mỗi ngày đều uống một trái dừa, bổ sung vitamin từ rau, củ, quả và thường xuyên luyện tập. Thay vì tiêm vaccine rồi yên tâm với điều đó, tôi có cách khác để giữ sức khỏe", cô cho hay.

Cang rem khi song cung F0-Hinh-3

Mỗi ngày, Phương đều uống một trái dừa, ăn nhiều trái cây để tăng sức đề kháng.

F0 dự bị

Khác với tâm lý đề phòng, lo lắng của Bích Phương, Nguyễn Thị Thanh (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại chẳng quá lo ngại khi bạn cùng phòng thông báo dương tính.

Theo cô, nếu bạn nhiễm bệnh, sớm muộn gì mình cũng sẽ trở thành F0 vì cả hai ăn chung bữa, ngủ cùng giường. Vì vậy, Thanh quyết định ở nhà chăm bạn, tự coi mình như một "F0 dự bị".

"Buổi đầu tiên bạn tôi có kết quả dương tính, tôi đeo khẩu trang khi đi ngủ. Nhưng đến buổi thứ hai là tôi mặc kệ rồi, dù bạn có ho tôi vẫn nằm ngủ bình thường", Thanh nói.

Cang rem khi song cung F0-Hinh-4

Số thuốc điều trị F0 mà Thanh đặt mua giúp bạn cùng phòng.

Mỗi ngày, vì bạn sốt, mệt, cô đảm nhận toàn bộ việc cơm nước, dọn dẹp trong nhà. Cả hai vẫn ăn uống chung bát đĩa, giặt chung quần áo và sử dụng chung nhà vệ sinh.

"Khác biệt ở chỗ hai đứa chỉ ở yên trong nhà, mua đồ qua ứng dụng, nhờ shipper đặt đồ ăn trước cổng. Tôi cũng tạm nghỉ việc tại văn phòng, xin làm online", cô kể.

Thanh cho biết cô từng tiếp xúc với rất nhiều F0 nhưng đến hiện tại vẫn may mắn chỉ là F1. Thấy mọi người quanh mình lần lượt nhiễm bệnh, cô không tránh khỏi tâm lý sốt ruột, nghĩ rằng bản thân rồi sẽ nhiễm virus mà thôi.

"Tôi biết là không nên chủ quan vào việc tiêm 3 mũi vaccine, thế nhưng giờ đây cả thành phố 'mở cửa', tôi đi ăn uống, làm việc ở ngoài mỗi ngày và tiếp xúc biết bao nguồn bệnh. Thay vì né tránh, tôi thà tìm cách sống chung với dịch nhưng sẽ tìm mọi cách tăng cường sức khỏe để nếu có nhiễm virus còn mau khỏi bệnh", Thanh nói thêm.

Theo Thục Hạnh - Trang Minh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)