Cằm độn biến chứng mẹ bầu không dám tháo vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi
Mới đây, một mẹ bầu ở Hải Phòng đã không khỏi hốt hoảng và lo sợ khi chiếc cằm độn bị biến chứng. Không chỉ sưng đỏ, chiếc cằm còn lõm sâu như hố, đã thế lại đau nhức điên cuồng. Cùng lúc này cô cũng mới biết mình mang thai được 1 tháng.
|
Khi phát hiện cằm viên nhức có dấu hiệu biến chứng thì cũng là lúc cô biết mình đã mang thai được hơn 1 tháng. Vì bảo vệ con, mẹ bầu nhẫn nhịn chịu đau với mong muốn sau sinh thì tháo miếng độn, nhưng qua 3 tháng chỗ biến chứng trở nên nặng hơn khiến cô vô cùng hốt hoảng. |
Cằm hỏng cần phải phẫu thuật sửa lại ngay nếu không sẽ hoại tử nhưng trường hợp của cô nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Đứng trước tình cảnh tiến 'thoái lưỡng nan' này mẹ bầu Hải Phòng khổ sở cầu cứu dân mạng tư vấn cho bác sĩ tốt và cách để cô thoát khỏi chuyện trớ trêu này.
"Mọi người ơi giúp em với. Nếu không có bầu thì em đã đi tháo ngay ra rồi. Vấn đề là em đang có bầu hơn 3 tháng. Giờ cằm như này nó lõm vào chỗ giữa nó đau lắm em sợ hoại tử lắm. Đợt nó hơi lõm thì em định đi tháo nhưng phát hiện là bầu hơn tháng rồi. Giờ nó lõm sâu xong chỗ đấy nó bầm thâm lại ấn vào thì đau. Ai cho em biết là mấy tháng thì có thể tháo mà không ảnh hưởng đến con không??? Chứ để thì đau mà giờ không tháo được con em làm sao em sống không nổi mất. Cầu mong mọi người thương em mọi người giúp em xem bác sĩ nào giỏi về tháo cằm. Cho em xin số để bác sĩ tư vấn cho em", mẹ bầu trẻ viết trên trang cá nhân.
Chia sẻ của cô đã thu hút sự chú ý của đông đảo dân mạng, nhiều người tỏ ra lo sợ cho cô vì nếu không tháo ngay miếng độn thì vết thương sẽ bị hoạ tử và nguy cơ mất cằm là rất cao. Người khác lại cho rằng tháo cằm phải uống kháng sinh nặng không tốt cho thai nhi nên bà mẹ này lại càng thêm lo sợ.
Bạn H.T đưa ra lời khuyên: "Trong thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ nếu dùng kháng sinh thai nhi dễ có nguy cơ bị ngộ độc hoặc quái thai. Nhưng nếu bạn không tháo ra thì nguy cơ hoại tử là điều không tránh khỏi. Mình nghĩ bạn nên đi tư vấn bác sĩ thẩm mỹ ở mấy nơi chứ đừng chỉ tư vấn ở 1 bác sĩ. Đồng thời bạn cũng nên vào bệnh viện khám và tư vấn bác sĩ về sản nhi để nắm rõ nguy cơ nếu phải can thiệp vào thuốc đối với thai nhi".
Phẫu thuật tháo độn cằm cho mẹ bầu khi thai trên 3 tháng tuổi sẽ ít nguy cơ
Độn cằm là một trong những phương pháp thẩm mỹ được ưa chuộng nhất hiện nay. Không chỉ tạo nên một gương mặt thanh tú mà còn bởi theo nhân tướng học nó sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người sở hữu. Tuy nhiên trong trường hợp, cằm gặp biến chứng vào lúc bạn đang mang thai thì chúng ta cần hết sức cẩn thận.
Nhận định về trường hợp này Bác sĩ Lê Hữu Điền, chuyên ngành Phẫu thuật thẩm mỹ cho hay: Nếu cô gái trẻ trước khi mang bầu làm phẫu thuật độn cằm ở cơ sở không phép, bác sĩ không chuyên môn thì đây sẽ là một bài học mà bạn cần lưu ý. Còn nếu được làm tại một cơ sở có giấy phép thì dù có bị nhiễm trùng cũng là 1 tai biến có thể xảy ra. Nhiễm trùng do nhiều yếu tố: do quy trình không tốt, môi trường phòng mổ không đảm bảo vô trùng, chất liệu không vô khuẩn, do khách hàng không thực hiện chăm sóc vệ sinh tốt....
Việc xử lý cằm hay các nhiễm trùng do bất cứ nguyên nhân nào khác trong thời kỳ có thai là cần có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa cùng bệnh nhân. Và việc theo dõi liên tục trong giai đoạn đó.
Trong 3 tháng đầu tiên của thời kỳ mang thai là giai đoạn hình thành các cơ quan bộ phận thai nhi nên cần tránh tối đa mọi loại tác nhân hoá học. Các loại thuốc điều trị có thể gây tác động không tốt đến sự hình thành và phát triển bình thường thai nhi. Vì vậy nếu chăm sóc tại chỗ để không cần can thiệp mà duy trì ngoài 3 tháng thì là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng lan toả thì cần phải xử lý.
Cũng có một số kháng sinh vẫn cho phép người phụ nữ mang thai uống mà không sợ bị ảnh hưởng tới sự phát triển thai nhi. Như vậy vấn đề là cần gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, tư vấn và xử lý đúng.
Bác sĩ Lê Hữu Điền chia sẻ thêm: "Làm phẫu thuật khi thai trên 3 tháng tuổi sẽ ít nguy cơ, còn không khẳng định có hay không. Nếu để nhiễm trùng thì chắc chắn không tốt cho cả mẹ và con.
Đang bầu mà viêm nhiễm thì dù là phẫu thuật gì cũng xử lý như nhau. Cách tốt nhất cho bà mẹ này là phẫu thuật lấy vật độn ra sau đó xử lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên vẫn cần khám trước khi can thiệp".
Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho những ai đã và đang có ý định phẫu thuật thẩm mỹ cách tốt nhất để tránh xảy ra biến chứng:
"Nhiễm trùng là biến chứng có thể xảy ra với bất cứ phẫu thuật gì. Với các phẫu thuật có sử dụng chất liệu nguy cơ cao hơn. Vì vậy bạn nên tìm cờ sở uy tín, có giấy phép, bác sĩ chuyên khoa có tay nghề thực hiện để đảm bảo hạn chế các rủi ro".