ThS.BS Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết rằng, điều kiện khí hậu ít tác động đến bệnh bạch hầu, nguy cơ mắc vi khuẩn bạch hầu ở cả nam và nữ là như nhau. Bệnh hay gặp ở tuổi thiếu nhi, đặc biệt là trẻ từ 1-7 tuổi. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể mắc bệnh.
Bệnh bạch hầu điều trị không quá khó, nhưng cần phát hiện sớm, bởi tỷ lệ tử vong ở bệnh bạch hầu không được điều trị kịp thời là tương đối cao. Thậm chí ở thể tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24-48 tiếng.
Đối với bạch hầu, việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò then chốt đối với hiệu quả điều trị. Khó khăn ở chỗ những dấu hiệu cảnh báo ban đầu của bệnh bạch hầu lại khá tương đồng với một số bệnh thường gặp như cảm, cúm và đặc biệt là viêm họng hạt, viêm amidan. Tuy nhiên, theo ThS.BS Trần Duy Hưng, nếu để ý kỹ, chúng ta vẫn có thể nhận ra một vài triệu chứng đặc trưng của căn bệnh truyền nhiễm này.
|
Bạn cần kiểm tra kỹ phần giả mạc nếu muốn phân biệt bệnh bạch hầu. |
Để có thể phân biệt nhằm có hướng phòng tránh kịp thời, bạn nên chú ý đến các triệu chứng bệnh lý riêng biệt như sau:
• Dấu hiệu sốt nhẹ. Tuy nhiên đối với người bị viêm họng hay viêm amidan thì thường nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sốt cao. Phổ biến nhất là sốt cao về đêm.
• Khó chịu ở khu vực cổ họng. Viêm họng khiến người bệnh khô môi và lưỡi, khoang miệng có mùi khó chịu, mất giọng, rát họng và có cảm giác đau rát khi nuốt thức ăn rắn. Ngoài ra, thường chỉ bệnh nhân viêm họng mới có triệu chứng đi kèm như tắc mũi hoặc chảy nước mũi.
• Sưng hạch bạch huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân viêm họng hoặc amidan lại sưng thành các hạch quanh cổ, dưới tai hoặc ở góc hàm.
• Một trong những triệu chứng riêng của bệnh bạch hầu là phần giả mạc xuất hiện tại họng rất dày, bám chắc, gần như không tách ra khỏi niêm mạc họng được. Nếu bệnh nhân cố tách thì sẽ gây ra chảy máu. Trong khi đó, bệnh nhân viêm họng hay amidan thông thường nếu có xuất hiện giả mạc thì cũng lấy ra rất dễ dàng. Giả mạc này cũng không dày hay sẫm màu như bạch hầu.
Việc tự phân biệt bệnh bạch hầu thông qua việc quan sát giả mạc hoặc theo dõi các triệu chứng có thể không chính xác 100%. Vì vậy nếu bạn đang nghi ngờ bản thân mắc bệnh thì vẫn nên đến cơ sở y tế để thăm khám. Các bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra chẩn đoán chính xác nhất cũng như có phác đồ điều trị phù hợp.