Sẽ chẳng có một đáp án đúng cho câu chuyện phân chia tài sản, và bất cứ ai cũng thấy cái lý của mình là đúng, cho đến khi tình huống xấu xảy ra.
|
Ai cũng mong ổn định cuộc sống, nhất là gia đình trẻ |
Trăm sự mệt mỏi vì chia tài sản
Lấy chồng gần 8 năm, bỗng một ngày mẹ chồng chị Tiên (ngụ quận 3, TPHCM) gọi con dâu về nhà ở Vĩnh Long vào giờ hành chính để ký xác nhận không liên quan đến tài sản thừa kế của chồng. Tiên lùng bùng tai chẳng rõ chuyện gì, dù nội dung ấy được mẹ chồng lặp lại vài lần qua điện thoại. Mãi đến khi được một cô bạn rành rẽ về thủ tục giấy tờ nhà đất tận tình chia sẻ, Tiên mới hiểu. Thì ra mẹ chồng làm ủy quyền nhà đất cho con trai, tức chồng Tiên, nhưng với điều kiện Tiên phải ký xác nhận không liên quan. Cô bạn giải thích thêm rằng: “Tức là nếu ly hôn, Tiên sẽ ra đi tay trắng mà chẳng được chia bất cứ thứ gì”.
Bằng đó năm lấy chồng, Tiên xem mẹ chồng chẳng khác gì mẹ ruột. Hai vợ chồng đi làm trên thành phố, thỉnh thoảng cuối tuần rảnh là về nhà, cùng nấu nướng ăn uống và ngủ lại một đêm ở nhà chồng rồi mới đi. Tiên nhớ, cô đã có những giây phút hạnh phúc từ những bữa cơm sum vầy ở nhà chồng như vậy. Tình cảm của mẹ chồng nàng dâu vốn rất tốt, sao đụng đến tài sản, mẹ chồng lại hất cô ra như người ngoài vậy?
Thấy Tiên không vui, chồng cô cũng khuyên: “Của anh cũng là của em, sau này là của con cái mình chứ ai xa lạ đâu”. Tiên chưa bao giờ nghĩ đến tài sản sở hữu cho bản thân, nhưng đúng là chữ “tiền” gắn liền với “bạc”. Chỉ vì tờ giấy cam kết mà tình cảm mẹ chồng nàng dâu chẳng thể lành lặn với nhau như trước, những chuyến về nhà sẽ thưa hơn, và Tiên còn nghĩ sẽ rất gượng gạo khi gặp mặt mẹ chồng ở thời điểm này.
Cũng là chuyện chia gia tài, nhưng ông bà Khánh (Đồng Nai) tuyên bố với 5 đứa con: “Bố mẹ có đất cho các con mỗi đứa một phần, nhưng chỉ khi nào bố mẹ mất đi, các con mới được quyền sở hữu. Lúc đó muốn bán buôn gì cũng được”. Ông Khánh năm nay ngoài 70 tuổi. Anh con trai lớn của ông Khánh đi làm rồi lấy vợ trên thành phố. Hai vợ chồng sinh đến 3 đứa con vẫn chen chúc ở trong căn phòng chật chội chỉ chưa đầy 20m2. Cuộc sống chẳng thể ổn định vì thay đổi chỗ ở liên tục, khi thì bị lấy lại nhà, khi khác gặp căn nhà không như ý, phải chuyển đi.
Mấy năm trước, cò đất địa phương dạm hỏi ông Khánh có bán đất không, có người trên thành phố về mua nguyên lô, giá rất tốt. Tính ra, mỗi lô đất mà ông Khánh định phân để chia cho từng người con, bán đi cũng mua gần được căn hộ chung cư nhỏ ở thành phố. Được vậy, 5 đứa con của ông Khánh sớm ổn định chỗ ở, đỡ phải chật vật đi thuê nhà, rồi mỗi tháng phải oằn vai nặng gánh thêm khoản tiền không nhỏ.
Nhưng ông Khánh nói cái lý của mình: “Giữ đất cũng là để cho con cháu, chứ cứ bán đi, chúng nó sa cơ lỡ bước biết về đâu?”. Chưa kể, những đứa con của ông Khánh biết cha mẹ có tài sản sẽ ỷ lại không chịu khó làm ăn. Tuổi trẻ mà không phấn đấu, nỗ lực hết mình thì khó thành công lắm”. Ý nghĩ đó của ông Khánh không được các con đồng tình. Các con của ông Khánh vẫn muốn được cha mẹ “cấp vốn” để sớm ổn định cuộc sống. Cuộc sống đủ thứ chật vật, đến chỗ ở cũng phải khổ cực trong khi nhà mình có điều kiện... Với ý nghĩ đó, có đứa vài năm không trở về thăm nhà.
Chia tài sản sớm để sống nhẹ nhàng
Trái với suy nghĩ chỉ để tài sản lại cho con sau khi đã mất của ông Khánh, bà Thu (Long An) chia sẻ: “Biết việc chia tài sản cho con xong mà nhẹ nhàng đầu óc như vậy, tôi với ông nhà đã chia từ sớm”. Bà Thu có căn nhà phố 4 tầng, các con lập gia đình đều được chia phòng ở cùng. Đến giờ, 4 người con của bà Thu đều có gia đình, sinh con. Sống 3 thế hệ, vui thì có vui nhưng cũng vất vả. Bà Thu mỗi ngày vừa bán tạp hóa ở tầng 1, vừa lo cơm nước cho cả nhà, rồi trông cháu.
Cứ nghĩ việc nhà chẳng có gì, nhưng bà Thu tất bật từ sáng sớm đến tối muộn. Bà nói: “Làm việc văn phòng còn có giờ tan sở, chứ như bà phải hết việc mới yên tâm nghỉ ngơi”. Chưa kể, ở chung một nhà nhưng mỗi đứa mỗi tính, không tránh khỏi những xích mích gây khó chịu lẫn nhau. Nhiều lần chính bà Thu phải can thiệp vào những bất hòa của con lẫn cháu trong tập thể gia đình, rất mệt mỏi.
Đến một ngày, bà Thu ngã bệnh, bác sĩ khuyên ở tuổi của bà không nên quá nhiều vướng bận như vậy, phải để cơ thể và tinh thần thảnh thơi thì mới vui khỏe tuổi già được. Nhưng làm sao để thoát ra nhịp sống hàng ngày với những tất bật không tên ấy? Hai vợ chồng bà Thu bàn nhau bán căn nhà, chia cho các con, với số tiền còn lại cũng đủ để ông bà mua căn nhà nhỏ trong hẻm vắng, ở cho yên tĩnh. Cũng may, căn nhà phố 4 tầng của bà Thu có giá rất cao. Sau khi chia cho các con, mua nhà cho ông bà, vẫn còn chút tiền gửi ngân hàng dưỡng già.
Giờ đây, ngày ngày bà Thu thảnh thơi đi bộ thể dục, tham gia nhóm tập dưỡng sinh trong công viên để có thêm sự kết nối. Chồng bà Thu cũng nhàn nhã hơn, mỗi sáng đi uống cà phê với các bác lớn tuổi trong xóm, rồi về chăm mảng sân trồng toàn bonsai, cây cảnh. Cả hai thấy ngày trôi qua nhẹ nhàng hơn hẳn. Con cháu của bà Thu cũng ở gần đó, ngày nào cũng có đứa qua hỏi thăm, có khi ăn cơm mẹ nấu rồi mới về. Ở cách ra vậy, bà Thu thấy tình cảm giữa những thành viên, dâu, rể cũng mặn mà hơn.
Suy cho cùng, thứ còn lại ở cuộc đời này chính là tình thân và sự tử tế của mỗi người dành cho nhau. Nên chăng, khi đứng trước quyền lợi cá nhân, mỗi người đều nghĩ cho nhau, đặt tình thân lên hàng đầu thì giá trị vật chất sẽ chẳng thể nào ảnh hưởng được đến mối quan hệ vốn tốt đẹp của họ.