Ngày 31-1, trước tin đồn trên mạng xã hội cho rằng 1 trong 3 bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virrus corona (nCoV) đang điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cụ thể là bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, đã tử vong, đại diện Bộ Y tế khẳng định: "Đây là tin đồn thất thiệt".
3 người mắc chủng virus corona thì nữ bệnh nhân 23 tuổi ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc được xác định nhiễm virus nCoV hiện trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có gì bất thường; Nam bệnh nhân ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang được theo dõi tại đây, tình trạng sức khỏe ổn định; Nữ bệnh nhân 25 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa sức khỏe đang hồi phục tốt, hết sốt ngày thứ 3. Bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc, cách ly theo đúng phác đồ và quy định của Bộ Y tế.
Cả 3 bệnh nhân đều có chung tiền sử dịch tễ: cùng 5 người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cách đây 2 tháng; và cùng trở về Việt Nam ngày 17-1-2020 trên chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 11 giờ ngày 31-1-2020, số người mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) trên thế giới là 9.832 trường hợp, trong đó tại Trung Quốc là 9.699 trường hợp. Tổng số tử vong là 213 trường hợp, đều ở Trung Quốc.
Hiện đã có 133 trường hợp mắc nCoV ở tại 21 quốc gia, vùng lãnh thổ (không tính Trung Quốc).
Tính đến 11 giờ ngày 31-1, tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 5 trường hợp. Trong đó: 2 công dân Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Số trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) là 97, trong đó có 65 đã xét nghiệm âm tính, 32 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ.
Ngoài ra, có 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ nhiễm nCoV.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" (PHEIC). Đây là lần thứ 6 WHO công bố sự kiện PHEIC.
Trước đó, đã có 5 sự kiện PHEIC được công bố, bao gồm: đại dịch cúm H1N1 (năm 2009), Bại liệt (năm 2014), Ebola tại Tây Phi (năm 2014), Zika (năm 2016), và Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo (năm 2019) kể từ năm 2006, khi Điều lệ Y tế Quốc tế - IHR (năm 2005) có hiệu lực.