Lợi ích của mề gà đối với sức khỏe
Thịt gà rất giàu protein, ít calo và chất béo. Chỉ có điều là trong cùng 1 con gà thì chia ra nhiều bộ phận khác nhau và hàm lượng calo trong mỗi phần cũng khác. Thế thì không biết phần nào mới là ngon nhất? Phần nào có hại?
Trong quá trình chế biến, nhiều người thường bỏ phần màng mề gà mà không biết bộ phận này có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Màng mề gà, còn gọi là kê nội kim hay kê hoàng bì, là lớp màu vàng bao phủ mặt trong của mề gà. Trong Đông y, đây là “báu vật” rất có ích đối với sức khỏe, người xưa rất coi trọng bộ phận này. Màng mề gà tốt nhất thường được lấy từ các loài gà ác, gà ta hay gà rừng, có màu vàng nâu, trên mặt có nhiều vết nhăn dọc.
Để màng mề gà có thể trở thành dược liệu, sau khi lấy mề gà thì bóc ngay lớp màng bao quanh, đem rửa thật sạch rồi phơi hoặc sấy khô. Tới khi dùng, chỉ cần đem sao với cát cho phồng lên, lấy ra rây bỏ cát là được, bảo quản nơi khô ráo, kín, tránh đè nặng làm vỡ nát.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), màng mề gà là bài thuốc quý trong Đông y, có vị ngọt, tính bình. Gà là động vật ăn tạp, ăn ngũ cốc và cả côn trùng bằng cách nuốt chửng vì không có răng. Như vậy, bộ phận tiêu hóa ở gà rất khỏe nhờ lớp màng mề gà, tiêu hóa được những thức ăn cứng. Vì thế, màng mề được xem là vị thuốc rất tốt cho tì vị (tiêu hóa), hiệu quả trong điều trị chứng tích thực (thức ăn tích tụ, khó tiêu).
Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học chỉ ra màng mề gà chứa 17 loại amino acid, keratin, pepsin, ventriculin, ammonium chloratum, vitamin B1, B2 có tác dụng làm có tác dụng điều trị viêm đại tràng mãn tính, sỏi mật, sỏi tiết niệu. Bộ phận này cũng được sử dụng để chữa đau bụng, ăn uống không tiêu, đầy hơi, mụn nhọt…
Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, DS. Đặng Văn Nam cho biết, màng mề gà là vị thuốc quý trong y học cổ truyền với tên thuốc là kê nội kim. Mề gà bổ đôi, bóc lấy lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề (cần nhẹ tay để khỏi làm rách màng), rửa sạch, phơi khô. Dược liệu là những tấm mỏng méo mó hoặc gần hình tròn, dài và rộng gần bằng nhau. Mặt ngoài màu vàng óng hoặc nâu vàng, có khi hơi màu lục, có những vết nhăn dọc, chất giòn, dễ vỡ vụn. Khi dùng rửa qua, thái miếng, sao với cát cho phồng. Có khi còn rang to lửa cho vàng đen.
Màng mề gà có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, giúp tiêu hoá, chữa các chứng đau bụng, ăn uống kém, bụng đầy trướng, khó tiêu, đại tiện lỏng, viêm ruột già, đái són.
Gợi ý cách dùng màng mề gà trị bệnh đường tiêu hóa
Chữa đau dạ dày: màng mề gà 10g, nga truật 30g, cam thảo 10g, tán thành bột, uống mỗi ngày 4g trước bữa ăn 30 phút.
Thuốc bổ tỳ cho trẻ em gầy còm, biếng ăn: màng mề gà 2 cái, hoài sơn 80g, thần khúc 20g, sơn tra 12g, sa nhân 4g. Tất cả rang giòn, tán rây thành bột mịn. Mỗi lần uống 6g, ngày 2-3 lần với nước cơm hoặc nước ấm.
Cách chữa đầy bụng, đái rắt, đái buốt: màng mề gà sao 60g, tán bột, mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần với nước ấm.
Cách trị đau bụng, khó tiêu: gạo tẻ 100g nấu cháo; màng mề gà 15g sao phồng, tán bột cho vào cháo, gia vị vừa đủ (muối hoặc đường). Mỗi ngày ăn 2 lần.
Cách chữa sỏi đường tiết niệu: màng mề gà 30g, đảm tinh 10g, sơn tra 30g. Tất cả đem tán nhỏ. Mỗi lần uống 3g với nước ấm, ngày 2 lần.
Cách chữa viêm đại tràng mạn tính: màng mề gà 10g, bạch truật 10g. Tán bột, trộn đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g.