Bạn bè của Hường, ai cũng hãi mỗi lần phải ngồi gần chị. Nhất là khi đang họp, cả phòng đang tập trung nghe sếp chỉ đạo thì điện thoại kêu toáng lên khiến ai nấy đều giật mình. Ánh mắt mọi người đổ dồn vào khu vực phát ra tiếng điện thoại, sau khi tắt điện thoại, mặt Hường thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi hai người ngồi bên cạnh thì bối rối ra mặt.
Dù đã bị nhắc nhở chuyện tin nhắn điện thoại ting ting, điện thoại réo inh ỏi trong các cuộc họp của phòng, của công ty rất nhiều lần nhưng Hường vẫn “chứng nào tật nấy”, không hề rút kinh nghiệm. Chỉ vì thói quen xấu của Hường mà sếp phải ra quy định, yêu cầu mọi người khi đi họp, không mang theo điện thoại.
Không chỉ ở công ty, ở nhà thói quen để chuông điện thoại ở nấc to nhất của Hường cũng gây ra khối chuyện dở khóc dở cười. Vợ chồng Hường sống cùng bố mẹ chồng đã gần 80 tuổi. Căn hộ tập thể nên dù có chia phòng cũng chỉ là tương đối.
|
Ảnh minh họa |
Bố mẹ già khó ngủ nhưng tối nào Hường cũng ôm điện thoại vào phòng, ngay cạnh phòng các cụ và hồn nhiên để chuông reo. Nửa đêm, tin báo từ các nhóm chat miễn phí vẫn ting ting khiến các cụ vốn khó ngủ vừa chợp mắt đã tỉnh hẳn.
Mẹ chồng Hường đã không ít lần nhắc cô, tối đến thì để điện thoại ở phòng khách, đừng mang vào phòng ngủ ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người, Hường “vâng, dạ” xong vẫn tối nào cũng mang điện thoại vào phòng.
Có hôm thay đổi thời tiết, bố mẹ chồng cô đều mệt và rủ nhau đi nghỉ sớm. Nhưng điện thoại của con dâu đã khiến bà vừa thiu thiu ngủ đã tỉnh hẳn. Nằm mãi không ngủ lại được, bà thấy trong người khó chịu nên lịch xịch đo huyết áp có vẻ tăng, rồi tìm thuốc uống. Hường thấy mẹ chồng loạt xoạt túi nilon cũng bực lắm vì không thể ngủ nổi nhưng không nói gì được. Cũng tại cô đã khiến bà thức giấc.
Hôm đó, nửa đêm, huyết áp của bố chồng Hường tăng vọt, quá 200 khiến cả nhà cuống cuồng gọi xe cấp cứu. Khi bố chồng cô qua cơn nguy kịch, mẹ chồng mới túm lấy con dâu để “nhờ vả”: “Mẹ biết hai thế hệ ở cùng nhau sẽ rất khó, nhưng chuyện tắt chuông điện thoại không khó khăn gì, đúng không con?”; “Vâng, mẹ nói đúng!”; “Nếu không thay đổi được thói quen phải cầm điện thoại mọi lúc mọi nơi, con chịu khó chuyển về chế độ rung mỗi lần đi ngủ hoặc lúc nhà có việc nhé!”… Mẹ chồng nói gì Hường cũng “vâng” nhưng lại không hề… thực hiện lời hứa đó.
Gần đây, Hường cùng gia đình chồng về quê vì có giỗ. Mọi người mời thầy đến làm lễ. Đang lúc cả nhà sụt sùi vì nhớ thương người đã khuất thì điện thoại của Hường báo có cuộc gọi “Bay lên nào! Nào mình nhảy cùng…”- một đoạn nhạc quảng cáo sữa rất sôi động khiến ai nấy đều quay sang nhìn Hường. Có người trừng mắt nhìn cô, có vẻ rất phẫn nộ, người khác thì khóc bù lu bù loa như để giải tỏa sự bức xúc của mình- thái độ của mọi người đã khiến Hường lần đầu cảm thấy bối rối.
Hôm đó, bố mẹ chồng Hường đã bị họ hàng xúm vào nói là có cô con dâu “quý hóa” quá, phép lịch sự tối thiểu cũng không biết. Bố chồng Hường nghe xong, huyết áp lại tăng vọt khiến ai nấy đều hết hồn. Hường ngồi gần đó cúi gằm mặt, xấu hổ không để đâu cho hết và cũng cảm thấy thương bố mẹ chồng vì tự nhiên bị nghe mắng… oan.
Dường như bản thân Hường không hề ý thức được chuyện thói quen để nhạc réo rắt của cô đã gây phiền toái cho mọi người xung quanh thế nào, cho đến khi chính cô ngồi giữa "tâm bão" chứng kiến cảnh những người mình thương yêu buồn khổ thế nào…