Biến chủng SARS-COV-2 không ảnh hưởng việc thử nghiệm vaccine

Google News

Việt Nam ghi nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trong thời điểm vaccine bắt đầu được thử nghiệm trên người.

Việt Nam có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh Covid-19. Tuy nhiên, sau hơn một năm, virus SARS-CoV-2 vẫn là nỗi ám ảnh toàn cầu khi liên tục biến chủng. Đặc biệt, biến chủng lần này tăng khả năng lây lan đến 70%.
Chỉ sau khoảng gần 2 tuần, biến chủng này lây lan nhanh từ châu Âu sang châu Á. Việt Nam cũng ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mang biến chủng mới sau khi trở về từ Anh. Điều này khiến nhiều người lo lắng về khả năng bảo vệ của vaccine mà các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ với Zing, Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), cho biết biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 hiện tại không ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất và thử nghiệm vaccine Covid-19 trong nước.
Nguyên nhân là kháng nguyên của vaccine Covid-19 tác động đến protein S của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, đột biến của virus này chỉ xảy ra ở một số miền nên không ảnh hưởng tiến trình thử nghiệm lâm sàng vaccine tại Việt Nam.
Ngoài ra, GS Đức Anh cho biết hiện những bệnh nhân mang chủng này đã được cách ly tập trung tuyệt đối sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng nếu được quản lý chặt chẽ.
Đối với tất cả mẫu bệnh phẩm từ người nghi ngờ được gửi đến, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều phân tích, giải trình tự gene để phát hiện kịp thời các biến chủng.
Hiện tại, Việt Nam mới ghi nhận một bệnh nhân Covid-19 mang biến chủng mới này do Viện Pasteur TP.HCM phát hiện. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chưa ghi nhận bệnh nhân khác mang biến chủng này.
Đơn vị sản xuất vaccine nói gì?
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết vaccine Covivac của đơn vị này đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... Kết quả cho thấy nó tạo được miễn dịch cao trên động vật. Dự kiến, đây là đơn vị thứ 2 (sau NANOGEN) thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người.
Chia sẻ về tác động của biến chủng mới của SARS-CoV-2, tiến sĩ Thái cho biết các nghiên cứu khoa học chưa có đánh giá về tác động của biến chủng virus tới vaccine. Do đó, hiện tại, biến chủng này chưa ảnh hưởng tới tiến trình thử nghiệm vaccine Covid-19 của IVAC.
Theo kế hoạch, IVAC sẽ phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm vaccine này trên người. Vaccine sẽ được chia ra nhiều hàm lượng, ứng với liều tiêm khác nhau và được thử nghiệm trên nhiều nhóm người, qua 3 giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1 mcg và 3 mcg. Hai mũi tiêm cách nhau 28 ngày.
Dự kiến, ngày 21-22/1, thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 thứ 2 của Việt Nam được thực hiện tại Đại học Y Hà Nội.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), cho biết đây không phải lần đầu tiên SARS-CoV-2 có biến chủng. Các nhà khoa học nhiều lần ghi nhận sự biến chủng của virus này. Ở mỗi lần biến chủng, virus có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn.
“Đối với vaccine Covid-19, thông thường, nhà sản xuất sẽ chọn vùng gene ổn định nhất của virus để tạo ra đáp ứng miễn dịch. Người ta sợ nhất là virus đột biến trên vùng gene được lựa chọn”, ông nói.
Thông thường, các lựa chọn làm vaccine được dựa trên vùng gene mang tính chất ổn định nhất về mặt di truyền và đảm bảo tính bền vững. Nếu chọn vùng gene không bền vững, khi tác động đến hệ miễn dịch cơ thể, nó sẽ không tạo ra vùng miễn dịch. Do đó, các nhà nghiên cứu thường phải có một số thay đổi nhất định đối với vùng gene mong muốn để làm vaccine.
Hiện tại, đột biến của virus đúng ngay vùng gene mà mọi người lựa chọn để làm vaccine (vùng S). Vì thế, các nhà khoa học tiếp tục theo dõi diễn biến của chúng để đánh giá xem lựa chọn có đúng hay không, virus có biến đổi gì hay không. Đó là nguyên tắc của khoa học.
“Tôi nghĩ về mặt chung, việc đột biến này không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất vaccine Covid-19”, ông Đạt nói.
Về tiến độ vaccine Covid-19 của VABIOTECH, ông Đạt cho biết vaccine Covid-19 của đơn vị này đạt đủ điều kiện an toàn khi thử nghiệm trên động vật. Vaccine này đang trong giai đoạn hoàn tất thử nghiệm để có đủ kết quả đánh giá đáp ứng miễn dịch và khả năng bảo vệ trên động vật.
Đối với NANOGEN, vaccine Nano Covax đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Công ty này cam kết vaccine có khả năng bảo vệ 100% trên tất cả chủng virus SARS-CoV-2.
Vaccine Covid-19 vẫn đạt hiệu quả với chủng mới
Với các chủng mới của SARS-CoV-2, nhiều người lo ngại rằng vaccine không mang lại hiệu quả. Vì vậy, một ngày nào đó, một loại chủng mới có thể khiến vaccine cũng như khả năng miễn dịch bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, các nhà khoa học cho rằng vaccine dành cho chủng cũ vẫn hiệu quả đối với chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện tại Anh. Khi một người đã tiêm vaccine, họ vẫn có thể được bảo vệ trước sự tấn công của virus chủng mới.
Khi cơ thể bị virus tấn công, kháng thể sẽ được tạo ra để ức chế hoạt động của virus. Mặt khác, kháng thể có thể đánh dấu virus, tế bào nhiễm virus, tạo điều kiện cho các tế bào miễn dịch khác tiêu diệt.
"Vaccine tạo ra một phản ứng miễn dịch chống lại các biểu mô được đánh dấu xung quanh tế bào protein đột biến. Việc một tập hợp các đột biến (trên chủng mới) làm thay đổi các biểu mô có xác suất cực kỳ thấp. Về mặt khoa học, các biến chủng khó chống lại được phản ứng bảo vệ từ vaccine", ông Moncef Slaoui, nhà khoa học đứng đầu dự án Operation Warp Speed, chia sẻ.
Neuman, nhà nghiên cứu từ Đại học Texas A&M, khẳng định vaccine vẫn hoạt động tốt trên các biến chủng của virus SARS-CoV-2. Ông nói: "Các thí nghiệm đang được thực hiện. Những bản báo cáo cũng sẽ được xuất bản. Chúng tôi thí nghiệm trên chủng hiện tại. Một số đột biến đã xuất hiện nhưng vaccine vẫn hiệu quả".
Một phát ngôn viên của Pfizer chia sẻ: "Pfizer và BioNTech đang theo dõi sát những thay đổi trình tự trên SARS-CoV-2. Các công ty cũng thu thập dữ liệu về mức độ hiệu quả trên huyết thanh của những người được tiêm vaccine đối với chủng mới".
Vaccine của Pfizer, BioNTech hay Moderna đều dựa trên nền tảng mRNA. Những vaccine này cung cấp khả năng tạo ra protein đột biến của SARS-CoV-2 trên tế bào người. Từ đó, tế bào người tự sản xuất các thành phần chống lại sự lây nhiễm cho hệ thống miễn dịch. Ưu điểm lớn của phương pháp này là trình tự mRNA có thể thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, những loại vaccine mới cũng có thể được phát triển chỉ sau vài ngày.
Theo Jesse Goodman, giáo sư y khoa tại Đại học Geogretown, các phiên bản mới của vaccine có thể không cần phải trải qua những cuộc thí nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Tuy nhiên, các thí nghiệm cần được thực hiện để tìm ra liều lượng và phản ứng miễn dịch.
Theo Bích Huệ/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)