Biến chứng nguy hiểm của hội chứng ngưng thở khi ngủ

Google News

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng tiềm ẩn, cần đặc biệt chú ý.

Chứng ngưng thở khi ngủ được chia làm 3 loại, đó là ngưng thở tắc nghẽn (OSA), ngưng thở trung ương (CSA) và ngưng thở hỗn hợp. Trong đó, OSA là phổ biến nhất.
Theo trang Mayoclinic.org, các triệu chứng phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và trung ương bao gồm: Ngáy to, thở hổn hển khi ngủ, thức dậy với miệng khô, nhức đầu buổi sáng, khó ngủ, buồn ngủ ban ngày quá mức, khó chú ý dù tỉnh táo, cáu gắt.
Bien chung nguy hiem cua hoi chung ngung tho khi ngu
 Ảnh minh họa: CC.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bao gồm:
- Cân nặng quá mức: Béo phì làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Chất béo tích tụ xung quanh đường thở trên có thể cản trở việc thở của bạn.
- Chu vi cổ: Những người có cổ dày hơn có thể có đường thở hẹp hơn.
- Đường thở bị thu hẹp: Mắc amidan hoặc adenoids cũng có thể gây tắc nghẽn đường thở, đặc biệt là ở trẻ em.
- Là nam giới: Đàn ông có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn phụ nữ 2 đến 3 lần. Tuy nhiên, phụ nữ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh nếu họ thừa cân và sau mãn kinh.
- Người lớn tuổi: Ngưng thở khi ngủ xảy ra thường xuyên hơn đáng kể ở người lớn tuổi.
- Tiền sử gia đình: Các thành viên trong gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Sử dụng rượu, thuốc an thần: Những chất này làm giãn các cơ trong cổ họng của bạn, điều này có làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao gấp 3 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc.
- Nghẹt mũi: Nếu bạn khó thở bằng mũi thì có nhiều khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hơn.
- Sức khỏe: Suy tim sung huyết, huyết áp cao, tiểu đường loại 2 và bệnh Parkinson là một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn nội tiết tố, từng đột quỵ và các bệnh phổi mãn tính như hen suyễn cũng có thể làm tăng nguy cơ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương:
- Lớn tuổi: Người trung niên trở lên có nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở trung ương.
- Nam giới: Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.
- Rối loạn tim: Bị suy tim sung huyết làm tăng nguy cơ.
- Sử dụng thuốc giảm đau có chất gây mê. Thuốc opioid, đặc biệt là những thuốc có tác dụng kéo dài như methadone, làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ trung ương.
- Đột quỵ
Các biến chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ:
- Ban ngày mệt mỏi: Việc thức giấc liên tục liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ khiến bạn có thể buồn ngủ nghiêm trọng vào ban ngày, mệt mỏi và cáu kỉnh.
Bạn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung và ngủ gật tại nơi làm việc, khi đang xem TV hoặc thậm chí khi đang lái xe. Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị tai nạn xe cơ giới và tại nơi làm việc cao hơn. Ngoài ra, bạn có thể trở nên nóng nảy, chán nản. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể hoạt động kém ở trường hoặc có các vấn đề về hành vi.
- Huyết áp cao hoặc các vấn đề về tim: Nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột xảy ra khi ngưng thở khi ngủ làm tăng huyết áp và căng thẳng hệ tim mạch.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn làm tăng nguy cơ cao huyết áp (tăng huyết áp). Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim tái phát, đột quỵ và nhịp tim bất thường, chẳng hạn như rung nhĩ. Nếu bạn bị bệnh tim, nhiều đợt thiếu oxy trong máu (thiếu oxy hoặc giảm oxy máu) có thể dẫn đến đột tử do nhịp tim không đều.
- Bệnh tiểu đường loại 2: Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ phát triển kháng insulin và bệnh tiểu đường loại 2.
- Hội chứng chuyển hóa: Rối loạn này, bao gồm huyết áp cao, mức cholesterol bất thường, lượng đường trong máu cao và vòng eo tăng lên, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
- Các biến chứng khi dùng thuốc và phẫu thuật. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng là một vấn đề đáng lo ngại với người sử dụng một số loại thuốc và gây mê toàn thân. Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có thể có nhiều khả năng bị biến chứng sau cuộc phẫu thuật lớn vì họ dễ gặp các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là khi dùng thuốc an thần và nằm ngửa.
Trước khi phẫu thuật, hãy nói với bác sĩ về chứng ngưng thở khi ngủ của bạn.
- Ngoài ra, những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có nhiều khả năng có kết quả bất thường về xét nghiệm chức năng gan.

Mời độc giả xem thêm video: Sâu răng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ não (Nguồn video: THĐT) 

An An (Theo mayoclinic.org)

>> xem thêm

Bình luận(0)