Thế hệ trước làm gương cho thế hệ sau
Đến phường Thạch Bàn, hỏi thăm gia đình tứ đại đồng đường ông Nghị, bà Son ai cũng nhiệt tình chỉ lối vào tận nơi vì gia đình ông bà nổi tiếng về truyền thống hạnh phúc gia đình.
Ông Nghị, bà Son đều sinh năm 1941, lớn lên bên nhau thời thơ ấu rồi yêu nhau lúc nào không hay. Đã 76 mùa xuân trôi qua, giờ đây mỗi lần nhớ lại câu chuyện tình yêu của mình, ông bà không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc. Với họ, tất cả những khoảnh khắc vui buồn đều đáng quý, trân trọng.
Trải qua thời gian tìm hiểu, được sự cho phép của gia đình hai họ, ông bà nên nghĩa vợ chồng. Niềm hạnh phúc nhân đôi khi đón chào đứa con đầu lòng là Hoàng Văn Minh lúc cả hai tròn 20 tuổi.
Theo thời gian, lần lượt những thành viên mới trong gia đình xuất hiện, anh Hoàng Huy Thanh (1964), chị Hoàng Thị Thái (1967), anh Hoàng Ngọc Doanh (1971). Tiếp đó là 3 nàng dâu xinh xắn cùng với 5 người cháu nội, 2 cháu ngoại và 2 chắt.
|
Các thành viên gia đình ông Hoàng Văn Nghị. Ảnh: Ngọc Thi (chụp từ màn hình). |
Tuy những vết nhăn nheo do tuổi già để lại trên khuôn mặt nhưng từ cách ứng xử, giao tiếp hay hoạt động hằng ngày ở ông bà vẫn toát ra vẻ đẹp, cốt cách và phong thái của người Kinh kỳ.
Khi chúng tôi hỏi, vì sao có thể có được những đứa con ngoan? Ông bà chia sẻ: “Việc nuôi dạy con cái thì việc đánh để răn đe con cháu là thất sách. Nếu như con sai thì nên khuyên con cái một cách mềm dẻo, hoặc tỏ thái độ bằng những hành động cụ thể để cho biết con cư xử như vậy là không đúng. Cũng vì một phần, nhà mình có nếp rồi nên đề cao tính tự giác hơn”.
Yêu thương thì không tả xiết nhưng quan điểm dạy con cháu của ông bà rất nghiêm. Điều đầu tiên là bản thân luôn gương mẫu, thẳng thắn chỉ dạy con cháu bằng cách phân tích điều hay lẽ phải.
“Nếp nhà đã được các cụ lưu truyền bao đời nay, các con, các cháu làm gì thì làm nhưng không được làm hỏng thanh danh ông bà giữ gìn”, đó là câu nói ông Nghị, bà Son dặn con cháu trong những buổi họp gia đình.
Bà Dương Thị Son có hơn 20 năm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Dù đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng ông Hoàng Văn Nghị vẫn luôn bận rộn với công việc. Ngoài thời gian chăm sóc bản thân, ông Nghị vẫn dành thời gian để dạy bảo con cháu.
“Là người trụ cột trong gia đình, tôi luôn hoàn thiện bản thân là tấm gương sáng cho con cháu noi theo và học tập. Với bà nhà thì luôn lắng nghe, tôn trọng, bình đẳng, với con cháu thì nhắc nhở, dạy dỗ từ nhỏ, khích lệ học tập, biết kính trên nhường dưới...”, ông Nghị cho biết.
Phương pháp tình cảm hóa
Dù hòa thuận đến đâu nhưng gia đình ông bà cũng không thể tránh khỏi những xích mích, con trẻ nhiều lần vấp ngã. Nhiều khi có những lỗi sai trong cư xử của con cháu, bà Son luôn giữ thái độ bình tĩnh, sau đó gọi riêng vào phòng trò chuyện, bảo ban để cháu thấu hiểu.
Bà bảo, mấy chục năm trôi qua bà không bao giờ mắng con. Có lẽ, chính cách giáo dục tình cảm hóa con cháu bà luôn biết phải trái và ngày càng hoàn thiện bản thân.
Có lần, cháu trai mải chơi mà sao nhãng việc học. Bà biết chuyện cũng không la hay mắng mỏ gì. Ông bà buồn, một bữa không ăn cơm để cho cháu hiểu được việc mình sao nhãng việc học hành là sai, như vậy làm bố mẹ, ông bà buồn. Cũng từ đó, cháu tự biết điều chỉnh việc học và việc chơi.
Bây giờ, nhìn con cháu đều thành đạt là niềm hạnh phúc lớn lao, ông bà giải thích thành đạt ở đây không phải là người giàu có, mà là là những người có đạo đức, làm những công việc chân chính được xã hội tôn trọng.
Để động viên con cháu học tập, dòng họ Hoàng từ xưa tới nay có quỹ khuyến học riêng. Mỗi khi con cháu có thành tích nổi bật trong học tập đều có bằng khen, quà động viên thể hiện sự ghi nhận của gia đình.
Trước đây khi còn trẻ khỏe, ông Nghị là người điều hành, nay giao lại cho con trai cả của ông anh Hoàng Văn Minh. Cũng bởi thế, gia đình ông bà luôn được khen ngợi là gia đình văn hóa, gia đình có truyền thống hiếu học. Hiện tại 4 người con của ông bà đều tốt nghiệp Đại học
Gia đình có 3 nàng dâu nhưng theo lời kể của bà Son thì họ chưa một lần to tiếng. “Chúng nó thương yêu, tâm sự với nhau như ba chị em gái, là những nàng dâu sống có ý tứ, chăm lo vun vén cho chồng con, bảo ban hiếu lễ với bố mẹ chồng”, bà vui vẻ cho biết.
Trước đó, gia đình tứ đại đồng đường này vẫn ăn chung một mâm cơm, và cực hiếm khi mới ra ăn ngoài. Nhưng do tính chất công việc, nên hiện tại các thành viên trong gia đình đã đều công tác xa nhà. Để duy trì nếp nhà xưa, như một mệnh lệnh, cuối tuần cả đại gia đình lại quây quần bên mâm cơm, hàn huyên, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, đồng thời củng cố tình yêu.
Mời quý độc giả xem video: