|
Người Nhật Bản nổi tiếng sống lâu. |
Bí kíp sống lâu của người Nhật
Tỉnh Okinawa của Nhật Bản – nơi có hàng trăm người từ 100 tuổi trở lên – thường được ví von là “vùng đất của sự bất tử”. Đây cũng là một trong những tỉnh có nhiều người sống lâu, là điển hình cho thấy sự trường thọ của người Nhật.
Theo thống kê vào năm 2017, số người từ 90 tuổi trở lên ở Nhật Bản đã lên đến 2 triệu người. Tháng 6/2018, bà Miyako, 117 tuổi, qua đời ít lâu sau khi được công nhận là người sống lâu nhất thế giới. Kỷ lục sau đó tiếp tục được trao lại cho một người Nhật Bản khác là bà Kane Tanaka, 115 tuổi, đang sống ở thành phố Fukuoka. Ngày 25/7 vừa qua, cụ Masazo Nonaka, sống ở Hokkaido cũng đã mừng sinh nhật lần thứ 113.
Trong suốt hơn 20 năm qua, Nhật Bản liên tục là nước giữ vị trí “vô địch” về sự sống lâu. Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho hay, trong năm 2018, tuổi thọ kỳ vọng của người Nhật Bản là 84,2 tuổi. Phụ nữ ở Nhật Bản sống thọ trung bình khoảng 87,1 năm, cao hơn một chút so với tuổi thọ trung bình 81,1 năm của đàn ông ở nước này. Trong khi đó, tuổi thọ kỳ vọng trung bình của thế giới là 69,1 năm; 73,8 tuổi với phụ nữ và 71,4 tuổi cho 2 giới.
Năm 1963, trên khắp nước Nhật chỉ có 153 người từ 100 tuổi trở lên nhưng đến năm 2016, số người sống vắt qua 2 thế kỷ ở nước này đã tăng lên thành 65.692 người.
Bí mật sống lâu của người Nhật được cho là sự tổng hòa của các yếu tố chế độ dinh dưỡng, chính sách chăm sóc sức khỏe, tập luyện thể thao, các yếu tố văn hóa và cả yếu tố về gen.
Trong đó, về chế độ ăn uống, người Nhật Bản có chế độ ăn uống khá đa dạng, với đầy đủ các món được chế biến từ gạo, rau, cá và thịt nhưng do là quần đảo nên người Nhật ăn nhiều cá hơn mức trung bình của người dân ở hầu hết các nước khác.
Các loại thực phẩm ngâm, lên men và hun khói cũng rất phổ biến trong thực đơn của người Nhật, đặc biệt là thực phẩm lên men vốn rất tốt cho việc hỗ trợ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Trong bữa ăn hàng ngày, người Nhật cũng rất chuộng đậu nành, họ chế biến thứ đậu nành thành nhiều món khác nhau và ăn khá thường xuyên. Nhìn chung, thực đơn của người Nhật Bản có lượng calo và chất béo bão hòa thấp. Đây chính là một yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở người Nhật.
Nói đến bí kíp sống lâu của người Nhật không thể không nhắc đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này. Tạp chí y khoa The Lancet trong một bài viết cho rằng việc đầu tư mạnh mẽ vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân của chính phủ Nhật Bản trong những năm 1950, 1960 đã góp phần đáng kể trong việc tạo ra ý thức chăm sóc sức khỏe và vệ sinh ở Nhật Bản.
Các chương trình tiêm chủng cho trẻ nhỏ, chương trình bảo hiểm y tế phổ quát, các chiến dịch nhằm giảm tiêu thụ muối ở người dân, điều trị miễn phí với bệnh lao và việc sử dụng các phương pháp điều trị bệnh cao huyết áp… đã có tác động lớn trong việc giúp tạo ra một thế hệ những người cao niên ở Nhật. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng đã trở thành việc không thể thiếu ở đa số người dân Nhật Bản.
Những đặc điểm xã hội và văn hóa cũng đóng góp đáng kể trong việc giúp nâng cao tuổi thọ của người dân. Giáo sư Shiro Horiuchi – một chuyên gia về lão hóa – trong một bài viết được đăng tải trên Tạp chí nghiên cứu dân số của Nhật Bản cho rằng sự gắn kết xã hội là một yếu tố quan trọng trong những bí kíp sống lâu của người Nhật.
Theo ông Horiuchi, sự gắn kết xã hội tốt đã giúp những người cao tuổi và cả những người kém may mắn về mặt kinh tế không có cảm giác bị xã hội xa lánh – một cảm giác đã được chứng minh có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Những người già ở Nhật Bản thường có được cảm giác gắn kết với cộng đồng và có suy nghĩ, tình cảm tích cực, từ đó giúp họ có được cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Một yếu tố khác giúp cho người Nhật Bản sống lâu hơn nằm ở lối sống tích cực. Người Nhật Bản khi đến tuổi nghỉ hưu thường sẽ vẫn tiếp tục làm việc dưới hình thức tự nguyện hoặc bán thời gian, tùy thuộc vào khả năng của họ. Cảnh tượng những người già Nhật Bản điều hướng giao thông tại các bãi đỗ xe, hướng dẫn trẻ con đi qua đường khi đến trường hay dẫn khách du lịch đến những điểm du lịch nổi tiếng ở nước này là có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào tại nước này.
Yếu tố cuối cùng giúp người Nhật Bản sống lâu nằm ở chính yếu tố di truyền. Một số bằng chứng chỉ ra rằng người Nhật Bản được thừa hưởng những gen giúp họ có thể có được cuộc sống dài lâu hơn so với người dân các nước khác.
Cụ thể, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng có 2 gen đặc biệt là ADN 5178 và ND2-237Met đã giúp bảo vệ người Nhật khỏi nguy cơ mắc một số bệnh tuổi già và sống lâu hơn.
Thụy Sỹ
Trong năm 2018, tuổi thọ kỳ vọng của người dân Thụy Sỹ là 83,3. Trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới ở nước này là còn phụ nữ sống lâu hơn, khoảng 85,2 năm.
Theo các chuyên gia, bí kíp sống lâu của người Thụy Sỹ nằm ở tinh thần cộng đồng mạnh mẽ của họ. Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng sự cô lập và cảm giác đơn độc là những yếu tố có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người tương tự như bệnh béo phì.
Trong khi đó, một khảo sát do Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) thực hiện cho biết, có khoảng 94% người Thụy Sỹ nói rằng họ có ít nhất 1 người có thể dựa vào khi cần thiết.
Ngoài ra, một số người cũng cho rằng việc yêu thích và ăn nhiều sô cô la cũng có thể là một lý do giúp người dân Thụy Sỹ cải thiện sức khỏe. Bởi, sô cô la đen có tác dụng tốt trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Ước tính, người dân Thụy Sỹ tiêu thụ trung bình đến gần 9kg sô cô la mỗi người mỗi năm.
Tây Ban Nha
Tại Tây Ban Nha, các báo cáo cho hay, độ tuổi trung bình của người dân nước này là 83,1%. Phụ nữ Tây Ban Nha có tuổi thọ trung bình là 85,7 còn ở nam giới con số này là 80,3.
Bí quyết giúp người Tây Ban Nha sống thọ một phần nằm ở chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống với dầu oliu, cá và rau quả. Chế độ ăn này đã được chứng minh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cholesterol cao. Cùng với đó, một số nghiên cứu cũng cho rằng người Tây Ban Nha có thể khỏe hơn nhờ văn hóa ngủ trưa được gọi là “siesta” của họ.
Tại Tây Ban Nha, trong suốt nhiều năm liền và cả hiện nay, các cửa hàng, văn phòng gần như vẫn duy trì lịch đóng cửa từ 14h00 đến 17h00 hàng ngày để người dân ăn trưa cùng gia đình và tranh thủ chợp mắt giữa ngày.
“Nếu được nghỉ làm trong khoảng 2 hoặc 3 giờ, anh có thể về nhà hay tới nhà hàng, thảnh thơi ngồi ăn uống, tráng miệng và có thời gian để tiêu hóa thức ăn. Điều này tốt cho sức khỏe hơn nhiều so với việc làm gì cũng vội vàng”, ông Miquel Àngel Diez i Besora, một người dân Tây Ban Nha lý giải về lý do duy trì chế độ nghỉ trưa ở nhiều nơi tại nước này.
Với các nước khác trên thế giới như Singapore, Pháp và Australia, tuổi thọ trung bình của người dân ở đây cũng đã được cải thiện đáng kể, hiện ở mức 82,9 năm.
Ở những nước này, theo WHO, tỉ lệ người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản tương đối cao. Người dân ở những nước này cũng tích cực đi bộ và tập luyện thể dục thể thao. Tất cả những yếu tố này giúp tuổi thọ của người dân của họ được nâng lên đáng kể.
Cần nói thêm ở đây là Pháp hiện đang giữ kỷ lục người sống lâu nhất thế giới từ trước đến nay. Kỷ lục này thuộc về cụ Jeanne Calment – người đã sống hơn 122 năm từ 1875 đến 1997.
Ngược lại, với người Mỹ, tuổi thọ kỳ vọng trung bình của người dân nước này là 78,5. Mức này giảm hơn so với ước tính của các năm 2016 và 2017. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc này là do đại dịch sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid và sự gia tăng tình trạng người dân có tâm lý chán chường, tuyệt vọng.