Phụ nữ sau khi sinh cần được kiêng cữ một thời gian để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Thời gian này thông thường người phụ nữ sẽ chọn về nhà cha mẹ mình để tiện chăm sóc.
Tuy nhiên, không ít người vì điều kiện không cho phép nên buộc phải ở lại nhà chồng. Và việc chung sống trong giai đoạn nhạy cảm này có thể sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn từ những việc rất nhỏ nhặt, giống như câu chuyện của Tiểu Anh (Trung Quốc) mới được chia sẻ trên mạng xã hội cách đây không lâu.
"Tôi là Tiểu Anh, đã kết hôn được mười năm. Ban đầu khi mới cưới về, chúng tôi sống chung cùng mẹ chồng theo yêu cầu riêng của bà. Lúc đầu, tôi nghĩ việc sống chung sẽ không có vấn đề gì, nhưng dần dần trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, tôi cảm thấy bà không được hòa nhã thân thiện như những lần mới gặp.
Ngay sau khi kết hôn, mẹ chồng đã đặt ra rất nhiều quy tắc cho tôi, ví dụ như mỗi tháng phải đưa cho bà 2.000 nhân dân tệ tiền dưỡng già (khoảng 7 triệu đồng), mỗi tuần 1.000 ndt để bà mua rau quả, thêm nữa tôi không được mua quần áo và mỹ phẩm quá đắt tiền...
Tôi cũng đã nói với chồng về những điều này, nhưng anh không hề quan tâm đến lời tôi nói và chỉ nói với tôi: "Mẹ muốn làm gì thì làm thế đó. Mẹ già rồi để ý làm gì?"
Tôi đành phải giữ thái độ im lặng trước mọi việc của mẹ chồng. Cho đến ngày sinh con, tôi phải ở cữ nhưng mẹ chồng không hề chăm sóc tôi chu đáo. Mỗi lần nấu cơm đều không phần riêng thức ăn cho tôi, thậm chí bà còn nấu nhiều món có khẩu vị rất cay, mặn hoặc nhiều dầu mỡ. Những lần đó tôi đều không ăn nổi, mẹ chồng lại nói tôi quái đản và nhiều chuyện.
Một hôm bà nấu cơm trưa, khi tôi ra ngoài về, cả nhà đã ăn xong, chỉ còn một món ăn duy nhất trên bàn.
Thấy vậy nhưng tôi vẫn ngồi xuống ăn, quả thực món ăn quá cay, ăn xong tôi bắt đầu ho không ngừng, phải uống nước liên tục. Tôi nhẹ nhàng nói với bà: "Mẹ ơi, món này cay quá. Con đang ở cữ, phải ăn thanh đạm một chút."
Mẹ chồng liền đáp trả tôi: "Làm gì mà cay, con lắm chuyện quá đấy. Con dâu nhà người ta đều rất dễ chăm sóc."
Tôi bắt đầu không giữ được bình tĩnh, như thể mọi ấm ức trong tôi cứ thế trào ra: "Mẹ đã chăm sóc con khi nào? Từ khi mang thai đến giờ, mẹ đã từng chăm sóc con chưa? Mẹ ăn theo khẩu vị của mẹ, nấu ăn cũng theo khẩu vị của mẹ. Mẹ chưa từng nghĩ con có thể ăn gì để tốt cho giai đoạn này.
Rõ ràng là hàng tháng mẹ đều có lương hưu, còn cả tiền con đưa mẹ nữa. Con ở cữ không đi làm nhưng mẹ cũng vẫn lấy đủ tiền, trong khi đồ ăn thức uống thì con chẳng thể ăn nổi, thật sự con chưa từng thấy có người mẹ chồng nào như mẹ".
Mẹ chồng khi nghe tôi nói ra những lời này thì vô cùng tức giận, chạy tới đẩy tôi ngã thẳng xuống đất. Đúng lúc này chồng tôi xuất hiện, tôi liền lao tới tát anh ta và nói: "Sống được thì sống, không thì ly hôn. Đứa con này thuộc về tôi, hai người tự mà ở với nhau đi!"
Nói xong, tôi lập tức thu dọn đồ đạc và đưa con về nhà cha mẹ mình, mặc kệ 2 người đó đứng nhìn nhau chưa hết sốc. Chắc họ đã không thể tưởng tượng được rằng tôi lại hành động như vậy.
Tôi thật sự đã thấy nản lòng vì gia đình chồng cũng như chính chồng tôi. Khi mẹ chồng gây khó dễ cho tôi, anh ta không bao giờ đứng ra nói giúp vợ mình một lời, trong lòng tôi thật sự thấy hận anh ta."
Sau khi câu chuyện của Tiểu Anh được chia sẻ, cô nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng mạng.
Phần đông các ý kiến cho rằng, phụ nữ sau sinh con cần được quan tâm chia sẻ nhiều hơn, để tâm lý lúc nào cũng được vui vẻ thoải mái, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng u uất, tâm trạng nặng nề, thậm chí là stress, trầm cảm.
Nếu cô nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ từ chồng, có thể những mâu thuẫn gia đình đã không căng thẳng đến mức các thành viên phải động tay động chân, tuyệt tình với nhau đến vậy.
Hi vọng rằng, gia đình Tiểu Anh sẽ tìm được cách hòa giải, cải thiện mối quan hệ cũng như bầu không khí trong gia đình. Chuyện vốn dĩ không có gì to tát, nếu mỗi người biết thấu hiểu và chia sẻ với nhau.