Chia sẻ những bí kíp giúp anh “sống sót” khi bị sốt xuất huyết lần hai với Emdep.vn. anh Nguyễn Viết Hùng (sống tại Hà Nội) dí dỏm nói anh vẫn còn “cơ may” dính sốt xuất huyết hai lần nữa trong đời.
|
Anh Nguyễn Viết Hùng qua lần sốt xuất huyết thứ hai bằng sự hiểu biết, phát hiện bệnh từ sớm. |
Nhờ những bí kíp đã có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dưới đây, anh Hùng đã thoát khỏi cơn sốt xuất huyết thứ hai “thập tử nhất sinh”.
Gọi dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà
Sau 24h sốt cao không đỡ, nghi ngờ mình mắc sốt xuất huyết, anh Hùng đã sử dụng dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà với giá 530.000 đồng xét nghiệm 32 chỉ số máu cơ bản.
“Đỡ mệt, không phải đi lại và chờ đợi. Trả kết quả qua điện thoại, email nhanh gọn. Xét nghiệm sau 24h kể từ khi bị sốt là chính xác nhất”, anh Hùng cho biết.
Khi nhận kết quả dương tính với sốt xuất huyết, cứ hai ngày anh Hùng lại làm xét nghiệm theo dõi tiểu cầu với giá 139.000 đồng. Số lượng tiểu cầu bình thường nằm trong ngưỡng 150 – 450. Tiểu cầu dưới 50 là phải nhập viện.
Không tự uống thuốc bừa bãi
Theo anh Hùng, sốt xuất huyết là bệnh do vi rút chứ không phải vi khuẩn. Cho nên, khi bị bệnh tuyệt đối không dùng kháng sinh.
“Vũ khí” giúp người bệnh chống chọi với bệnh sốt xuất huyết là thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, vũ khí này cần được sử dụng đúng cách. Đó là hạ sốt bằng Paracetamol đơn chất, uống đúng liều theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh quá liều. Tuyệt đối tránh hạ sốt bằng Aspirin hoặc Ibuprofen vì thuốc có tác dụng phụ loét dạ dày, tăng nguy cơ chảy máu.
Không tự ý truyền dịch
Qua sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, anh Hùng được biết truyền dịch bừa bãi sẽ dẫn đến quá tải dịch truyền, phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
|
Truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ để tránh quá tải dịch. Ảnh minh họa. |
Bù nước qua đường uống là an toàn nhất
Mỗi ngày, anh Hùng uống bù nước Oresol 2 – 3 lít, pha đúng tỉ lệ với nước nguội, pha ngày nào uống ngày đó. Không để tới hôm sau, thử nhiều mùi vị cho dễ uống. Bên cạnh đó, anh uống nhiều nước cam, bưởi ép..nhằm bổ sung vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Về chế độ ăn, anh Hùng thường ăn cháo thịt để vừa bổ sung protein vừa dễ tiêu hóa. Không ăn đồ quá nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ vì sẽ gây đầy bụng, khó tiêu.
Theo dõi sát sao giai đoạn nguy hiểm nhất
Sau hạ sốt (khoảng từ ngày thứ ba trở đi của bệnh) là lúc nguy hiểm nhất. Anh Hùng thực hiện chế độ nghỉ ngơi, theo dõi sát sao. Thậm chí phải theo dõi xem sản phẩm “đầu ra” có lẫn máu không để phát hiện sớm xuất huyết tiêu hóa.
Tuyệt đối không xông hơi
Dân gian hay có quan niệm xông hơi khi ốm cho “giải cảm”. “Tuy nhiên, người bệnh sốt xuất huyết không nên tắm nước quá nóng hay xông hơi vì việc làm này càng làm mạch bị giãn ra mạnh, tăng thêm nguy cơ xuất huyết. Ngược lại, tắm nước lạnh làm co mạch ngoài da, giãn mạch trong nội tạng. Điều này là nguy cơ chính gây ra tử vong”, anh Hùng lý giải. Theo đó, suốt thời gian bị ốm, anh chỉ lau người bằng nước ấm.
Ngoài ra, khi bị sốt xuất huyết, hai hốc mắt rất đau nhức nên anh Hùng cũng thực hiện chế độ “kiêng” điện thoại di động.
“Sau 7-10 ngày, cơ thể sẽ hồi phục. Tôi cho rằng việc chăm sóc tốt ở nhà quyết định rất lớn đến sự phục hồi của người bệnh. Điều này vừa giúp người bệnh nhanh khỏe, bệnh viện đỡ đông đúc gây nguy cơ lây nhiễm chéo”, anh Hùng bộc bạch.
Hiện không ít người đã từng mắc sốt xuất huyết khá lơ là vì nghĩ đã mắc bệnh là có kháng thể, không mắc bệnh trở lại nữa. Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TW, đó là cách nghĩ sai lầm bởi virus sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
"Bệnh nhân nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó. Chính vì vậy những người sống trong vùng lưu hành dịch có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời. Thậm chí lần hai sẽ nặng hơn lần một theo giả thuyết miễn dịch tăng cường bệnh. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng, tránh chủ quan trong việc phòng và điều trị bệnh”, PGS. Kính khuyến cáo.