Thậm chí, trên mạng còn xuất hiện nhiều bài hướng dẫn về cách làm "bùa", rao bán dầu tràm có thể diệt virus Ebola.
"Ăn theo" đại dịch
Ngay trong ngày 12/8, trên mạng xuất hiện hàng loạt các tin đồn xuất hiện bệnh nhân mắc Ebola tại một bệnh viện ở Hà Nội, người chia sẻ tin tức này cũng "khéo léo" lồng thêm các thông tin về các cách phòng dịch như rửa tay khô, dùng nước muối sinh lý, cồn 90 độ, dầu tràm... Mặc dù ngay sau đó, Bộ Y tế đã khẳng định thông tin trên là bịa đặt, nhưng nhiều người dân vẫn vô cùng hoang mang, đổ xô đi mua các loại dầu tràm, gel rửa tay khô, miếng ngậm diệt khuẩn...
Các loại dầu tràm được bán khá nhiều trên mạng với công dụng phòng ngừa cảm mạo, tránh gió, chống viêm nhiễm, làm sạch da... Hầu hết gia đình nào có trẻ em cũng mua một lọ với mức giá khá rẻ từ 50.000 - 110.000 đồng/chai 100ml. Tuy nhiên, sau khi có thông tin lan truyền về dịch bệnh Ebola và cách phòng chống dịch bằng dầu tràm, loại tinh dầu này có mức giá cũng "nhích" hơn so với ngày thường.
Nhiều nơi chào bán tinh dầu tràm thủy tinh không có nhãn mác với mức giá từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/chai 100ml.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã thử gọi điện đến một số điện thoại chuyên cung cấp dầu tràm tinh chế "xịn" từ Huế, chúng tôi hỏi mua một chai dầu tràm thì được "quát" tới 250.000 đồng/chai 100ml. Theo lời quảng cáo, đây là loại dầu "nguyên chất nhất nên giá cũng cao". Để chứng minh cho hiệu quả "diệt virus Ebola", người bán cho biết sẵn sàng gửi bản photo các cách sử dụng dầu tràm để diệt virus Ebola đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO chứng nhận?!
|
Các loại bột tẩy uế được rao bán với giá "vênh" lên rất nhiều trong tháng “cô hồn”.
|
Ăn theo các loại tinh dầu tràm đóng chai, nhiều loại đèn xông tinh dầu đặt trong phòng ngủ cũng được bán kèm để "khử khuẩn", diệt virus Ebola. Loại đèn này bằng gốm đặt sản xuất tại làng gốm Bát Tràng với mức giá khoảng 90.000 đồng/chiếc, nay cũng được "thổi giá" lên 150.000 đồng/chiếc.
Theo hướng dẫn chỉ cần cắm điện cho đèn sáng rồi đổ nước thêm vài giọt tinh dầu tràm, cả phòng sẽ thơm ngát, đảm bảo "virus Ebola" không thể xâm nhập nổi. Không biết công dụng của loại đèn xông tinh dầu này tốt ra sao, nhưng khá đông bà mẹ vội vã đặt mua vài ba chiếc để "cắm" khắp nơi, từ phòng ngủ đến cả... nhà vệ sinh.
Ngoài loại đèn "diệt Ebola", các loại nước rửa tay khô, bùa thẻ chống vi khuẩn, thuốc tăng sức đề kháng, mặt nạ "thải độc" và hàng loạt thiết bị khử khuẩn, khẩu trang than hoạt tính, bàn chải đánh răng kháng khuẩn cũng bỗng dưng... "hút" khách. Đa phần các loại sản phẩm này được quảng cáo là hàng nhập của Pháp, Đức, Nhật Bản có lớp tráng bạc ở dạng phân tử Nano, bạc có tính năng diệt khuẩn khử độc và chống bệnh ung thư, diệt 99,9% virus trong đó tất nhiên có cả Ebola.
Chúng tôi đến các cửa hàng bán đồ dùng cho trẻ trên phố Kim Mã đều được nghe các cô nhân viên bán hàng quảng cáo rất có khoa học "Bộ Y tế và WHO đã cảnh báo rồi, để phòng chống dịch Ebola tốt nhất là phải giữ vệ sinh sạch sẽ. Chị cứ bỏ thêm ít tiền mua hẳn mấy loại khăn giấy tiệt trùng chuyên dụng để lau ti giả, núm vú cao su cho đến các loại bình sữa tiệt trùng, bát, đĩa đựng đồ ăn, ca uống thuốc, đầu ti giả, bàn chải đánh răng "siêu diệt khuẩn", dùng đảm bảo không lo dịch bệnh".
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, không ít sản phẩm được gắn mắc "kháng khuẩn" chỉ có công dụng "ảo", đánh lừa người tiêu dùng. Theo phân tích của một chuyên gia, bàn chải cho trẻ em là một dụng cụ bằng nhựa, dùng thuốc đánh răng để cọ sát, tẩy rửa những chất bẩn trên bề mặt răng, đồng thời có thêm chất phụ gia để củng cố men răng (thêm hàm lượng canxi hay trong miệng nếu có chua thì cho thêm chút kiềm để giảm đi), sau đó súc miệng bằng nước sạch thì chất bẩn sẽ ra ngoài. Bàn chải là sản phẩm thuần tuý cơ học và không có nguyên lý nào để đảm bảo được khả năng diệt khuẩn.
|
Các loại "bí kíp" được truyền tai nhau như tinh dầu tràm có khả năng chống virus Ebola thực chất chỉ là tin đồn.
|
Bi hài chuyện chị em tự làm bùa chữa bệnh
Bên cạnh thông tin đáng sợ về dịch bệnh Ebola, trên các mạng trang Facebook cá nhân, mạng "buôn chuyện" dành cho các chị em, các bà mẹ xuất hiện hàng loạt topic "sặc mùi" mê tín dị đoan. Chị em bắt đầu "rỉ tai" nhau đủ cách phòng trừ ma quỷ theo dân gian như kiểu treo một củ tỏi hay cành dâu trước cửa nhà để đuổi tà ma, quỷ dữ vào nhà. Dân buôn thì đua nhau cúng một chùm tỏi trên bàn thờ để xua đi những vận hạn và rủi ro, giúp "kéo" khách. Các bà bầu trong giai đoạn ở cữ cũng thường treo tỏi ngoài cửa phòng, tránh gió, ma quỷ cho trẻ sơ sinh.
Có người lại "nảy" ra ý tưởng buôn bán nhiều loại vòng trừ tà như vòng dâu tằm, vòng hổ phách. Người bán loại vòng này với nickname mang tên "vongdautam" quảng cáo trên rất nhiều mạng xã hội là có thể "giúp bé yêu tránh ma tà, tránh giật mình, khóc đêm, tránh sài đẹn và bớt mồ hôi trộm". Từ xa xưa, những người già ở quê thường làm vòng bằng gỗ dâu tằm tự nhiên làm quà tặng phòng trừ tà ma cho trẻ sơ sinh, phụ nữ sau sinh.
Cách làm khá đơn giản, chỉ cần chặt cành dâu bánh tẻ rồi tước vỏ, phơi khô, cắt thành khúc nhỏ, xâu lại thành những chiếc vòng nhỏ đeo tay chân các bé hoặc làm để đầu giường, dưới gối. Với mức giá rao bán trên mạng, loại vòng đơn sơ này từ 50.000- 100.000 đồng/bộ 4 chiếc đeo tay, chân, chỉ nhẩm sơ sơ cũng có thể thấy người bán tha hồ "hốt bạc".
Nhiều loài "bùa yểm", bột chống tà ma mê tín dị đoan được các đối tượng lừa đảo rao bán với mức giá "cắt cổ". Chỉ cần search cụm từ "bột tẩy uế" là chúng tôi đã tìm được ngay hàng chục số điện thoại rao bán mặt hàng trên. Theo quảng cáo, đây là loại bột trừ tà có xuất xứ từ Thái Lan, Hồng Kông, được các thầy "bùa" cao tay cúng bái nên rất linh thiêng và có giá dao động đến 300.000 đồng/hộp.
Một thầy “bùa” tự xưng là Linh quảng cáo: "Nhiều nơi còn bán đến vài triệu mà khách vẫn đặt mua "rầm rộ" đấy, loại bột này rắc vào nhà sẽ tránh tà ma. Có công ty còn đang đặt thầy mua cho cả vài cân để rắc khắp các phòng sao cho "trúng đậm" được mấy hợp đồng "tiền tỉ" vì tháng Bảy làm ăn "bí bét" quá, phải sang tận Thái Lan nhờ thầy "bùa" cao tay, khó lấy hàng nên thầy còn chưa dám nhận lời"?!.
Không thể coi đó là "bí kíp" phòng dịch Ebola
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế) cho biết, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào nói dầu tràm có tác dụng khử khuẩn cũng như có thể phòng chống bệnh Ebola. Bên cạnh đó, hiệu quả khử khuẩn của nước muối sinh lý không cao nên không thể coi đó là "bí kíp" để phòng chống dịch Ebola.