|
Bác sĩ Phương tư vấn cho bệnh nhân. |
Kết hôn được 9 tháng, chị Nguyễn Thị D. 20 tuổi, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội vẫn chưa cảm nhận được hạnh phúc của đời sống vợ chồng. Với chị D. mỗi lần âu yếm là lần đau nhớ đời.
Mỗi lần vợ chồng ân ái chị bị đau, dù cố quan hệ nhiều lần để nong vùng kín nhưng vẫn không có tác dụng. Chị D. tìm tới bác sĩ để khám tìm nguyên nhân.
Trên hình ảnh siêu âm và khám lâm sàng cho thấy, bệnh nhân D. là trường hợp đặc biệt, có 2 tử cung , 2 buồng trứng, 2 cổ tử cung và vách ngăn âm đạo.
Bác sĩ sản khoa Nguyễn Duy Phương - Bệnh viện Đa khoa Medlatec là người khám cho chị D. chia sẻ: Nguyên nhân gây bất thường này là do trong quá trình biệt hóa từ phôi thai dẫn đến dị thường về sinh dục. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh dục và việc sinh đẻ của bệnh nhân.
Chia sẻ thêm về hiện tượng đau khi giao hợp của bệnh nhân D., bác sĩ Phương cho biết: “Vì bệnh nhân có vách ngăn âm đạo, ngăn đường ống âm đạo thành 2 phần, mỗi phần có một cổ tử cung và tử cung riêng, nên khi giao hợp, vách ngăn này đã gây cản trở làm bệnh nhân bị đau nhiều. Hơn nữa, mỗi lần xuất tinh có thể xuất vào bên này hoặc bên kia, nếu trong trường hợp xuất tinh vào phải mà trứng rụng ở bên trái thì bệnh nhân khó có con và ngược lại”.
Bác sĩ Phương cảnh báo bất thường dị dạng vùng sinh dục của phụ nữ không phải là hiếm. Có nhiều bất thường ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản cũng như khả năng quan hệ tình dục.
Theo bác sĩ Phương những dị dạng thường gặp đó là màng trinh không thủng, dính môi âm đạo, teo âm đạo bẩm sinh, không có âm đạo, vách ngăn âm đạo, teo tử cung, tử cung đôi… Các dị dạng vùng sinh dục này người bệnh phải được thăm khám và kiểm tra mới có thể phát hiện được.
Ví dụ, với màng trinh không thủng bác sĩ Phương cho biết bình thường màng trinh của nữ giới không kín, thường có lỗ để kinh nguyệt hàng tháng thoát ra. Tuy nhiên, có không ít trường hợp, màng trinh không có lỗ. Đây chính là một trong các nguyên nhân khiến nữ giới không thấy có kinh hàng tháng, dù vẫn có một số dấu hiệu của có kinh nguyệt như đau tức bụng dưới, mỏi lưng, căng tức ngực.
Không có âm đạo: Có những phụ nữ khi sinh ra đã không có âm đạo, tuy nhiên, vẫn có thể có tử cung và buồng trứng như bình thường. Trường hợp này, máu kinh cũng không thể thoát ra ngoài được nên bị đọng lại trong tử cung và tràn lên sừng tử cung. Những trường hợp này khó điều trị, phải phẫu thuật tạo hình âm đạo, không sinh con theo đường âm đạo mà cần được mổ đẻ.
Teo âm đạo bẩm sinh: Phụ nữ vẫn có đủ 2 buồng trứng, tử cung, vòi trứng hoàn chỉnh, nhưng chỉ có phần trên âm đạo, còn phần dưới bị teo lại và bít kín. Do vậy, khi đến tuổi dậy thì kinh nguyệt không thoát ra bên ngoài được, gây đau bụng, bụng dưới ngày càng to ra do bị ứ máu kinh lâu ngày.
Hàng chục dị tật vùng kín của chị em phụ nữ cần được thăm khám và kiểm tra để có thể có biện pháp xử lý.