Mình nhớ có lần tham gia lớp học về giáo dục trẻ, giảng viên nói có nói rằng: trong chúng ta có 2 phần đó là phần con và phần người. Phần con là bao gồm ăn, ngủ, các sinh hoạt cá nhân, còn phần người là bao gồm những sở thích, ước mơ, vui, buồn.
Từ ngày đó, mình luôn cố gắng chú trọng vào phần người trong những đứa trẻ nhà mình. Mình dành thời gian chơi với chúng nhiều hơn là chăm chúng, mình quan tâm đến cảm xúc của chúng nhiều hơn là chúng cần phải ăn bao nhiêu và ăn như thế nào. Mình cũng ít quan tâm đến việc con mình học được bao nhiêu chữ cái rồi, học được cái gì ở trường, ăn cái gì, ăn bao nhiêu, mà chỉ quan tâm xem con mình hôm nay có vui không, có thoải mái khi ở trường không?
Chị Khánh Mai, bà mẹ 2 con và là giám đốc một công ty truyền thông tại Bình Dương, cho rằng: "Cái mình sợ nhất không phải là một đứa trẻ thiếu thốn về vật chất, mà là sự tổn thương trong tâm hồn. Cái mình lo sợ chỉ là con mình không được vui vẻ, và sống đúng tuổi thơ của cháu mà thôi. Vì với mình, tuổi thơ không bao giờ đến 2 lần".
Có lẽ thế mà khi nhìn thấy những đứa con của mình cứ lấm lem bùn đất, chạy chân không trong khu dân cư nhiều bà mẹ khác lại cứ lắc đầu. Cũng có lẽ vì thế, nên nhiều khi thấy 2 đứa nhỏ nhà mình chạy tung tăng tắm mưa trước sân, còn mình nhởn nhơ ngồi xem phim thì mấy bà mẹ khác có vẻ bực mình.
Có những lúc, nhìn thấy cậu nhóc quần áo xộc xệch, đi ăn tiệc mà mặc đồ thun nhiều người cũng cho rằng mình không được chỉn chu cho con lắm. Nhưng bởi cậu nhóc nhà mình rất quậy, những cái quần jean và áo sơ mi sẽ khiến con rất nóng nực và khó chịu. Mình tôn trọng cảm xúc của con nên muốn con được làm những điều con thích hơn là gò bó con để làm đẹp cho hình ảnh của ba mẹ.
Bữa ăn của con mình lúc nào cũng đơn giản và đôi khi là không quan trọng. Mình thậm chí có thể cho con ăn qua loa một vài thứ gì đó mà nó thích, còn hơn là ngồi hàng giờ hì hục chế biến những món ăn mà sau đó chúng nó ăn với vẻ đầy uể oải.
Có những lần đi chơi, đi tiệc nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi con mình chỉ ăn vài miếng bánh, hay một chút ít chả giò. Với mình, con nhịn đói một bữa cũng không sao cả. Và mình cũng nghĩ, ăn như một quy luật rất tự nhiên, rất sinh tồn, đói thì tự khắc sẽ đòi ăn.
|
Con có thể thoải mái chơi đùa (Ảnh: NVCC) |
|
Hay ăn uống những món ăn mà con thích (Ảnh: NVCC) |
Nhà mình đầy những nét vẽ nguệch ngoạc, dù đã sơn đi sơn lại nhiều lần nhưng sau mỗi lần sơn lại đầy những nét vẽ, không nơi nào trong nhà là thiếu dấu ấn của chúng. Chúng vẽ lần 1 là bức tranh đẹp, nhưng ngay sau đó lại đổ lên một lớp khác khiến cho bức tường chỉ toàn là hình ảnh nham nhở.
Ai đến nhà cũng nhìn vào và cười. Người dễ tình thì bảo kệ, không sao, song cũng đầy ái ngại. Người khó tính thì bảo mình phải rèn con kĩ hơn, hãy lấy tập cho nó vẽ. Mình chỉ cười. Ý kiến nào mình cũng tiếp nhận, nhưng con mình mình biết, dù có nhắc nhở thì chúng cũng sẽ nhanh chóng quên và quan trọng hơn là mình vẫn thích con mình được tự do như thế…
Bé gái nhà mình rất bướng bỉnh, những gì bé thích bé kiên quyết làm đến cùng. Vì thế, chẳng ai lạ gì cảnh bé kiên quyết kéo mình lại để mua cho bé một con búp bê, và chỉ khi nào mua được con búp bê đó bé mới chịu di chuyển.
Mình vẫn thường phải chiều theo ý bé, hoặc dỗ ngon, dỗ ngọt để bé chịu nghe, dù nhiều người bảo là như thế không được, phải dạy cho con, chiều thế con sẽ hư, phải đánh nó, phải đe nẹt nó. Nhưng mình lại nhìn thấy trong bé sự quyết liệt, muốn đi đến cùng sự việc và dù không nói ra nhưng mình vẫn ngầm ủng hộ tính cách đó của bé.
Con nhà mình vẫn thường bị để mặc cho khóc mỗi khi chúng muốn khóc. Khóc chán thì chúng tự nín, chứ không có cảnh ba mẹ chạy theo dỗ dành. Mình cũng khuyến khích bé trai khóc mỗi khi cháu cảm thấy muốn khóc.
Mình không nói con phải mạnh mẽ lên vì mình biết bé trai có rất ít những khoảng thời gian được khóc, bởi sau này cháu lớn lên thành một chàng trai thì sẽ khó còn được khóc như thế, nên thay vì nói rằng, con đừng khóc, mạnh mẽ lên, mình thường nói, con muốn khóc thì cứ khóc đi, không sao cả.
Dạo này, bé trai nhà mình bắt đầu thích chơi game. Cháu bị ảnh hưởng từ những anh lớn hơn hàng xóm. Mọi trò chơi các anh đó bày ra bé đều rất hào hứng, trong đó có cả game. Cháu về nhà và luôn năn nỉ, xin xỏ mẹ để được chơi game.
Thời gian đầu, mình hoảng và vô cùng lo lắng. Việc nghiện game đã có quá nhiều những bài học. Các bà mẹ hàng xóm cũng bắt đầu lên những chiến lược cấm đoán con tiếp cận với game. Mình cũng có một giai đoạn cấm, nhưng con lúc nào cũng tha thiết, cũng tìm cách năn nỉ, và đôi khi là lén lút để chơi.
|
Tập cách chơi cùng con là một điều thú vị trong hành trình lớn lên của bé (Ảnh: NVCC) |
Thấy không ổn, mình bắt đầu chuyển qua chơi game cùng bé. Mình bị cuốn hút thực sự vào trò chơi và thi đấu giữa 3 mẹ con. Mình mở cuộc thi “game thủ” và quy định thời gian chơi chỉ là khi cả 3 đều đã xong công việc.
Điều này tạo sự phấn khởi cho các bé và cũng khiến cho mình gần con hơn. Đôi khi dành nhau với con để được chơi game, đôi khi buồn vì chơi mãi mà không thắng, mình trở thành bạn của chúng. Và game cũng trở thành bạn, chứ không phải là thứ gì đó đáng ghê gớm trong ngôi nhà của tụi mình…Cuối ngày, 3 mẹ con vẫn túm tụm vào cái máy điện thoại và chơi game. Mình thấy mình còn nghiện chứ huống hồ gì con…!
Mình bây giờ đã quá quen với những cái lắc đầu của những người xung quanh khi nhìn vào con mình. Mình cũng đã quen với việc người ta dạy mình phải chăm con như thế nào, cho chúng ăn ra sao? Mình cũng chẳng nghĩ rằng cách chăm con của mình hiện tại là đúng hay sai, chỉ là nó đem đến cho mình và con cảm giác thật thoải mái. Với mình vậy là đủ.