Bệnh thủy đậu tấn công người lớn

Google News

(Kiến Thức) - Cứ ngỡ rằng chỉ có trẻ em sức đề kháng kém mới mắc các bệnh nhiễm như thủy đậu, quai bị, rubella, không ngờ cuối năm nhiều người lớn lại nhập viện vì bệnh... thủy đậu.

Bệnh dễ bùng phát vào dịp Tết
Anh H.V.N. (25 tuổi, đường Khuôn Việt, phường 15, quận Bình Tân, TPHCM) đang điều trị tại Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho hay, anh đã bị bệnh thủy đậu được 2 tuần, phải nhập viện do bệnh tiến triển nhanh và nặng. Anh bị lây bệnh từ vợ, vợ của anh N. bị bệnh trước đó 1 tuần nhưng bệnh nhẹ nên không phải nhập viện. Anh N. cứ ngỡ là trẻ em, phụ nữ yếu sức đề kháng kém mới mắc bệnh, nào ngờ, anh lại bị lây và bị nặng hơn cả vợ. Anh N. cũng cho biết, sau khi vợ bị bệnh 1 tuần thì anh bị sốt cao, nổi nốt đậu toàn thân, nhiều nốt, người mệt mỏi, uể oải, ớn lạnh nên đi khám bệnh và phải nhập viện.
BSCK I Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh thủy đậu do siêu vi varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10 - 20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn...). 
Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1 - 2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Đa số nốt đậu có đường kính dưới 5mm, tuy nhiên cũng có nốt đậu có đường kính tới 10mm. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng. 
BSCK I Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang khám cho anh H.V.N.  
Làm sao tránh biến chứng?
BSCK I Nguyễn Ngọc Vinh cho biết, thuốc điều trị bệnh thủy đậu chỉ là phụ, vệ sinh cơ thể mới là chính. Vệ sinh cơ thể, tắm rửa sạch sẽ ngày 2 - 3 lần bằng xà phòng, cắt ngắn móng tay sạch sẽ, để các nốt đậu không hóa mủ, sẽ không bị nhiễm trùng. Chế độ ăn uống bình thường, thậm chí phải bồi dưỡng thêm chứ không kiêng ăn.
Biến chứng thường gặp nhất của bệnh này là nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. 
Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não. Phần lớn trường hợp mắc bệnh thủy đậu có thể khỏi bệnh nếu được chăm sóc tốt. Khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể không nên tự điều trị theo kiểu dân gian dễ gây biến chứng nặng, thậm chí là tử vong. Nếu ai từng bị thủy đậu hiếm khi nào mắc bệnh lại do đã miễn dịch. 
Trẻ em ngay khi được 1 tuổi phải tiêm ngừa, người chưa mắc bệnh, nhất là phụ nữ chuẩn bị có con nên tiêm ngừa thủy đậu. Thai phụ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai dưới 20 tuần sinh con ra sẽ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. 
Các biểu hiện của hội chứng này có thể là sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc...), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần. Với những người mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian trước sinh năm ngày đến sau sinh 48 giờ, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh và có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 30%). 
Bùi Hương

Bình luận(0)