1. Dị ứng
Mùa xuân có nhiều phấn hoa phân tán trong không khí nên mọi người dễ mắc các bệnh dị ứng như nổi mề đay, mụn ngoài da, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt,...
Theo thông tin từ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, viêm mũi dị ứng biểu hiện với các triệu chứng sổ mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi, đỏ, ngứa và chảy nước mắt, sưng quanh mắt.
|
Ảnh minh họa: MP. |
- Viêm kết mạc mắt: Các triệu chứng của viêm kết mạc do dị ứng thời tiết bao gồm chảy nước mắt khó kiểm soát, ngứa mắt, sưng mí mắt, đỏ mắt. Mắt có cảm giác rát và nhạy cảm với ánh sáng.
- Mề đay: Đặc trưng bởi các nốt sần phù và mẩn đỏ, tập trung hoặc rải rác ở nhiều vùng da với kích thước khác nhau. Nổi mề đay do dị ứng thời tiết có kèm ngứa khó chịu.
- Mẩn, mụn ngoài da: Vào mùa này, tế bào da dễ bị tổn thương hơn, khiến các nốt mẩn, mụn xuất hiện và thường rất ngứa.
Cách phòng tránh: Để phòng ngừa dị ứng thời tiết, bạn cần có thói quen ăn uống lành mạnh, tập luyện và có lối sống khoa học. Theo đó, tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách tăng cường protein trứng, tôm, cá, thịt,..., bổ sung vitamin và khoáng chất từ rau quả, nước hoa quả,...
Ngoài ra, cố gắng tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi làm việc trong môi trường ô nhiễm và giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mặt, cổ; vệ sinh mũi thường xuyên; hạn chế đến các vườn hoa và nên tránh sử dụng các thức ăn hoặc thuốc đã từng gây dị ứng.
2. Bệnh đường hô hấp
Bệnh đường hô hấp thường gặp nhất là hen phế quản, tiếp đến là viêm phổi.
|
Ảnh minh họa. |
Hen phế quản: Đối với những người có cơ địa dị ứng, sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc, côn trùng... sẽ bị co rút khí quản, tạo ra các cơn hen gây khó thở, mặt mũi tím tái, nếu nặng có thể gây suy hô hấp.
Viêm phổi: Người bị viêm phổi thường có các triệu chứng như sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở… Khi xuất hiện các triệu chứng này, cần tới ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, vào mùa này, còn có thể gặp các bệnh đường hô hấp khác như tràn khí màng phổi, lao phổi, áp-xe phổi...
Cách phòng tránh: Giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ nơi ở thông thoáng, sạch sẽ; ăn đủ dưỡng chất...
Để tránh các bệnh hô hấp như viêm phổi hay những đợt cấp của bệnh phổi mãn tính, đợt cấp của hen phế quản thì cần phải tiêm vắc xin.
3. Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu có thể xảy ra quanh năm nhưng thời gian số người mắc bệnh thủy đậu thường bị vào mùa xuân từ tháng 2 có thể kéo dài tới tháng 6.
Theo Trạm Y tế Phường Cầu Kho, bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra.
Triệu chứng nổi lên các nốt tròn nhỏ, ngứa, tiến triển trong vòng 12-24h thành mụn nước, bọng nước. Các nốt này sẽ mọc rải rác toàn thân. Sau đó, các nốt này khô đi trở thành vảy và khỏi sau 5 đến 7 ngày. Thường thủy đậu lành tính, nhưng nếu không cẩn thận có thể gây nhiễm trùng để lại sẹo và các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi...
Khoảng 90% những người chưa chủng ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu sẽ bị lây bệnh nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng thủy đậu và tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
4. Bệnh đường tiêu hóa
Thời tiết thay đổi cùng thói quen ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ khiến nhiều người mắc bệnh đường tiêu hóa vào mùa này. Để phòng tránh, mọi người nên ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn