Bệnh nhân COVID-19 từ Guinea Xích Đạo: Liệu trình điều trị như nào?

Google News

(Kiến Thức) - Chuyến bay 12 tiếng đến Guinea Xích Đạo đón hơn 120 bệnh nhân COVID-19 là công dân Việt Nam dự kiến về tới sân bay Nội Bài sáng 29/7 và các ca bệnh sẽ được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cách ly.

Theo kế hoạch, 3 đơn vị sẽ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ Guinea Xích Đạo là Khoa Nội, Khoa Virus Ký sinh trùng và Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Còn lại, tùy từng diễn biến bệnh nhân có thể triển khai Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực cho những bệnh nhân nặng.
Hiện bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn nhất từ đầu vụ đại dịch tại Việt Nam.
Chuyến bay lần này là chuyến bay "chưa từng có" với nhiều nguy cơ rất cao vì tỷ lệ bệnh nhân dương tính rất lớn, chiếm đến hơn 50%. Theo nhận định của chuyên gia cấp cứu, trong 120 ca bệnh mắc COVID-19 trên chuyến bay này, chắc chắn sẽ có 7 đến 10 ca có biểu hiện nặng.
Benh nhan COVID-19 tu Guinea Xich Dao: Lieu trinh dieu tri nhu nao?
Các bệnh nhân COVID-19 về từ Guinea Xích Đạo có thể cũng được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. 
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với số lượng ca mắc COVID-19 nhập viện cùng lúc “lớn chưa từng có”, Bệnh viện đã thống nhất dành toàn bộ các khoa phòng tại cơ sở 2 Kim Chung (Đông Anh) với 400-500 phòng bệnh để làm tốt công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm.
Tất cả bệnh nhân thường đang điều trị tại đây đã được chuyển sang cơ sở Giải Phóng hoặc các cơ sở y tế khác để sẵn sàng cho công tác đón các ca dương tính. Bệnh viện cũng sẽ đảm bảo giãn cách giữa tất cả khoa phòng, sao cho mật độ cách ly càng xa càng tốt, ít nhất là 2 mét giữa các giường bệnh.
Hiện bệnh viện có khoảng hơn 100 máy thở, đủ để phục vụ cho công tác điều trị. Ngoài ra, vấn đề thuốc men, các trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân cũng đã sẵn sàng. Đặc biệt, lần này bệnh viện cũng đưa các robot hỗ trợ điều trị vào thử nghiệm, hy vọng sẽ phát huy tốt tác dụng.
TS Thạch cho biết, bệnh viện bố trí khoảng 250 nhân viên, bao gồm cả y bác sĩ, bảo vệ, nhân viên vệ sinh, hậu cần để chia trực chiến các vòng trong, vòng ngoài hỗ trợ nhau. Tất cả sẽ cách ly tại viện để tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.
Phác đồ trị COVID-19: tập trung điều trị suy hô hấp
Các bệnh nhân COVID-19 về từ Guinea Xích Đạo có thể cũng được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Trước đó, ngày 26/3, Bộ Y tế công bố hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 có rất nhiều điểm mới.
Hướng dẫn này đã thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ vì tình hình dịch tễ đã thay đổi, có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại các địa phương ở Việt Nam; bỏ các định nghĩa ca bệnh có thể vì năng lực xét nghiệm cao hơn trước.
Về điều trị: Tập trung chính là điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về oxy liệu pháp, đích oxy máu.
Yêu cầu theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt ngày thứ 7-10 của bệnh, trong đó hướng dẫn sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm; theo dõi tiến triển hằng ngày X-quang phổi của bệnh nhân để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/tiến triển nặng của bệnh. Theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam thời gian qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.
Với bệnh nhân suy hô hấp nặng, bác sĩ nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể, chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân.
Về các thuốc kháng virus đặc hiệu (như lopinavir/ritonavir, chloroquine, hydroxychloroquine, remdesivir...): Do chưa có đủ các bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị COVID-19 nên chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị (ngoài phạm vi sử dụng trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam). Bộ Y tế sẽ ra các khuyến cáo bổ sung dựa trên những kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam tới đây.

Mời độc giả theo dõi video "Hà Nội ra công điện khẩn ứng phó với Covid-19". Nguồn: VTC1.

Tiêu chuẩn ra viện: Cải thiện các dấu hiệu lâm sàng, cần có hai mẫu liên tiếp bệnh phẩm đường hô hấp (cả dịch tỵ hầu và dịch họng), lấy cách nhau ít nhất 24 giờ âm tính với SARS-CoV-2.
Sau khi ra viện, người bệnh tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày nữa. Người bệnh cần được ở phòng riêng thoáng khí, đeo khẩu trang, ăn riêng, vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình và không được ra ngoài. Theo dõi sát thân nhiệt 2 lần/ngày, khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)