Nắm bắt được tâm lý sợ ung thư, nhiều cơ sở y tế đã mở các dịch vụ tầm soát sớm đối với căn bệnh này. Song, giá dịch vụ này mỗi nơi một kiểu, chưa nói đến hiệu quả tầm soát vẫn đang bị bỏ ngỏ.
|
Tầm soát ung thư cho bệnh nhân tại một đơn vị |
Loạn giá
“Có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện (BV) khám và kể cho tôi nghe về việc họ đã từng đi tầm soát ung thư. Trong đó, có một bệnh nhân đã lớn tuổi, gia đình có điều kiện nên hầu như tháng nào cũng đi khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư. Không hiểu sao, khi phát hiện ung thư gan thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, đây là điều đáng tiếc”, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu BV Quận Thủ Đức, cho biết như vậy.
Còn với chị Phương (ngụ quận 1 TPHCM), chị sốt sắng tìm chỗ tầm soát ung thư do mới đây mẹ chị mất vì căn bệnh này. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin, chị Phương vô cùng bối rối, bởi chương trình tầm soát mỗi nơi mỗi khác. “Có nơi tầm soát 9 loại ung thư ở nữ giới với mức giá chỉ 1,8 triệu đồng, có nơi dịch vụ giống vậy mà mức giá lên tới 9 - 10 triệu đồng. Muốn đi tầm soát lắm nhưng sợ mất tiền mà lại không hiệu quả”, chị Phương bày tỏ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, giá tầm soát ung thư tại các cơ sở y tế khác nhau, có nơi chênh lệch đến cả triệu đồng. Cụ thể, gói tầm soát ung thư toàn diện cơ bản dành cho nữ tại một phòng khám trên đường Lê Quý Đôn (quận 3) chỉ hơn 4 triệu đồng. Trong khi đó, tại một BV tư nhân trên đường Trịnh Văn Cấn (quận 1), giá tầm soát ung thư tổng quát dành cho phụ nữ được niêm yết hơn 10 triệu đồng. Để tầm soát ung thư tuyến giáp, các bác sĩ của BV đã chỉ định bệnh nhân thực hiện siêu âm tuyến giáp. Chi phí cho gói tầm soát tuyến giáp gần 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, việc lạm dụng siêu âm tuyến giáp nhằm tầm soát ung thư giáp sẽ dẫn đến điều trị quá mức, không cần thiết, do ung thư giáp là bệnh lý tiến triển rất chậm. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chứng minh tầm soát ung thư tuyến giáp chỉ gây thêm biến chứng do việc điều trị gây ra, mà không giúp ích gì cho bệnh nhân.
Tầm soát ra bệnh, tự “chạy” cứu thân
Điều dễ nhận thấy, hiện người dân đi tầm soát ung thư chưa được thông tin đầy đủ về dịch vụ này. Các phòng khám thỏa sức tư vấn bệnh nhân làm nhiều xét nghiệm để thu lợi. Theo một số bác sĩ, tầm soát ung thư phải được thực hiện bởi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường và vấn đề quan trọng là việc xử lý, theo dõi bệnh nhân sau khi tầm soát. Tuy nhiên, phần lớn các phòng khám, BV chỉ dừng lại ở việc làm xét nghiệm, khi phát hiện dấu hiệu bất thường thì để mặc bệnh nhân phải tự chạy vạy khắp nơi chữa trị.
Trường hợp bệnh nhân Hồng (32 tuổi, ngụ quận 3 TPHCM) đến một BV lớn tầm soát ung thư vú và được chỉ định chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh). Kết quả, trên phim có một nốt mờ nhỏ khiến chị vô cùng hoảng sợ. Trong khi đó, cơ sở y tế này đã không giải thích hay trấn an gì, chỉ hướng dẫn chị theo dõi và chữa trị ung thư vú. “Nhũ ảnh không nên chỉ định cho phụ nữ dưới 40 tuổi do mô vú người trẻ rất dày, khiến nhũ ảnh thiếu chính xác. Đồng thời, chụp X-quang tuyến vú trên người trẻ sẽ khiến mô vú hấp thu tia X, đây là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú. Đối với trường hợp này tôi phải trấn an rất nhiều và hẹn bệnh nhân tái khám 6 tháng sau”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Vẫn theo bác sĩ này, hiện nay, loại tầm soát ung thư đã được chứng minh hiệu quả là xét nghiệm phết tế bào (PAP) tìm ung thư cổ tử cung. Đối với các loại ung thư khác, chúng ta nên trang bị kiến thức phòng ngừa, nhận biết các dấu hiệu trên cơ thể như khối u ở vú đối với ung thư vú, đi tiêu ra máu đối với ung thư ruột già (đại - trực tràng)... để chữa trị kịp thời.