Thông tin trên được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM chia sẻ với phóng viên Dân trí, tối 25/5.
Theo đó, khi TPHCM ghi nhận các chùm ca bệnh do ngộ độc botulinum, sau khi ăn một loại chả lụa bán dạo, Phòng Y tế TP Thủ Đức đã tiến hành điều tra và phát hiện một cơ sở không có giấy phép tại phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) sản xuất ra loại chả trên.
Phòng Y tế TP Thủ Đức đã đình chỉ hoạt động cơ sở trên, đồng thời lấy mẫu chả lụa tại nhà các bệnh nhân và mẫu tại nơi sản xuất mang đi xét nghiệm. Đến nay, tất cả các mẫu đều cho kết quả âm tính với độc tố botulinum.
Do đó, hiện vẫn chưa xác định được nguồn nào gây ngộ độc cho 5 bệnh nhân có ăn bánh mì với chả lụa.
"Thật sự các vụ riêng lẻ thế này rất khó xác định ngộ độc từ đâu. Trước mắt phải chuẩn bị cấp cứu kịp thời. Bào tử botulinum vẫn hiện diện trong môi trường" - bà Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo.
|
Thuốc giải BAT do WHO viện trợ khẩn cấp đã về đến Việt Nam đêm 24/5 nhưng không kịp truyền cho các bệnh nhân (Ảnh: Hoàng Lê).
|
Cũng trong tối cùng ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cập nhật tình hình sức khỏe mới nhất của 3 bệnh nhi (là anh em ruột) ngộ độc botulinum đang điều trị tại đây.
Theo đó, bệnh nhân N.V.Đ. (13 tuổi), nhập viện ngày 14/5 với chẩn đoán ngộ độc botilinum toxin từ thức ăn. Em được truyền 1 lọ thuốc giải BAT ngày 15/5. Hiện tại, em gọi biết, thực hiện được theo y lệnh, kích thích đau đáp ứng, sức cơ tứ chi chưa cải thiện, còn sụp mi, chưa tự thở, liệt ruột. Bệnh nhi đã được mở khí quản ngày 24/5 và tiếp tục thở máy thông số thấp, dinh dưỡng đường tĩnh mạch.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.V.H. (14 tuổi), nhập viện ngày 15/5). Em được truyền 1/2 lọ BAT để giải độc tố botulinum. Hiện tại, sức cơ tứ chi của bé H. đã đạt 5/5, đi đứng và tiêu tiểu bình thường, hết sụp mi, thở khí trời, ăn uống được. Bé H. dự kiến xuất viện ngày 26/5.
Bệnh nhân còn lại là bé N.T.X. (10 tuổi), cũng được truyền tĩnh mạch 1/2 lọ BAT ngày 15/5 để kháng độc tố botulinum. Tuy nhiên sau đó, diễn tiến em suy hô hấp tăng dần, được đặt nội khí quản và chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc ngày 18/5.
Hiện tại, bé X. tự thở yếu, sức cơ 2 chi trên, 2 chi dưới lần lượt là 4/5 và 2/5, đã cai máy một lần nhưng thất bại. Trong ngày 25/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy về hướng điều trị của 2 bé còn lại. Theo đó, cả hai sẽ được tiếp tục điều trị nâng đỡ (thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chăm sóc nằm lâu) và không có chỉ định dùng thêm BAT.
Từ ngày 13/5, TPHCM đã ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum, phải nhập 3 bệnh viện. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.
Ngoài 3 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum sau khi ăn một loại mắm để lâu ngày, nằm tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tuy nhiên đến tối 24/5, người đàn ông 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng, không kịp dùng thuốc giải được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.