Vợ chồng tôi sống ở vùng quê nghèo khó. Nhưng hai con trai, hai con gái của chúng tôi khá ganh đua, đều học giỏi, thi đỗ đại học. Cháu gái lớn sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương đã ở lại Hà Nội làm việc. Tại đây, cháu đã quen với một chàng trai và tổ chức làm đám cưới khi cháu tốt nghiệp.
Phải nói thật, khi con gái đưa con rể về ra mắt, vợ chồng tôi đã cảm thấy bất an. Con rể về mặt ngoại hình, học thức, gia cảnh đều rất tốt. Ông bà thông gia trước đâu cũng sống ở quê nhưng lên Hà Nội lập nghiệp đã lâu nên kinh tế khá giả, có của ăn của để. Nghe con rể giới thiệu: "Con là "nhà mặt phố, bố làm to" nên bố không lo về sau con gái khổ sở".
|
Ảnh minh họa. |
Đúng là kinh tế có khá giả thật, nhưng con rể lại có vẻ xa cách. Cháu ngồi ăn cơm với nhà tôi, dù thịt cá, gà lợn có đủ nhưng chỉ khều khợt vài miếng. Cháu bảo ăn không hợp, vì cháu chỉ thích ăn bò Mỹ, cá tầm... Những thứ đó làm sao tôi kiếm được ở quê. Con rể cũng chỉ ở lại ngủ ở nhà tôi đúng 1 đêm lần ra mắt, còn những lần về sau khi cưới, cháu đều giục con gái tôi nhanh nhanh chóng chóng ngược thành phố.
Vợ chồng tôi đều có chút ấm ức, nhưng nghĩ con gái sẽ sung sướng, có điều kiện phát triển nên chúng tôi cũng bỏ qua. Bố mẹ vất vả cả đời chỉ mong con có ngày được mát mặt mà thôi.
Tết năm nay, con gái tôi mới sinh con nên không về quê được. Khi cháu sinh, vợ tôi cũng ra chăm mấy ngày nhưng chỉ được hai hôm, vợ tôi về nhà với gương mặt buồn rười rượi. Vợ tôi cho biết, bà đã đủ 4 đứa con lớn lên khỏe mạnh, nhưng lại không hợp việc chăm con gái ở cữ. Vợ tôi làm gì bà thông gia cũng chê lạc hậu, sợ bẩn, sợ bệnh. Vì thế, tránh để con gái khó xử, vợ tôi đành về sớm.
Nhưng sát Tết, vợ tôi sốt ruột con gái nên giục tôi mang ít quà quê ra thăm, biếu thông gia. Tôi mang theo mấy chục trứng gà, hai yến gạo mới, chục cân khoai tây mới dỡ, hai con gà trống thiến béo mập để lên biếu thông gia và bồi dưỡng cho con. Quà quê cũng không giá trị lắm, nhưng là mồ hôi nước mắt cả năm của vợ chồng tôi, cũng là tấm lòng chân thành vợ chồng tôi dành cho thông gia, cho con gái.
Quê cách xa thành phố hơn 300 km nên tôi phải đi từ 5h sáng. Xuống xe, tôi phải chuẩn bị cả đòn gánh mới gánh hết mấy chục cân quà Tết. Mở cửa nhìn thấy tôi, bà thông gia lườm tôi từ trên xuống dưới rồi ghét bỏ: "Ông thông gia đến. Vẽ vời quà cáp làm gì cho nặng".
Thấy thái độ bà thông gia không mặn mà gì, tôi chỉ nói vài câu xã giao với bà thông gia, chơi với con gái và cháu độ nửa tiếng, rồi lấy cớ đi thăm đồng đội cũ và ra về, dự định bắt chuyến xe về nhà luôn có khi cũng kịp trời tối. Đang đi giữa đường, tôi chợt nhớ còn món quà mà con gái nhỏ gửi cho cháu ngoại trong túi nên tôi bảo xe ôm quay ngược lại.
Vừa đến cổng ngôi nhà lớn của gia đình thông gia, tôi đã thấy túi khoai tây tôi vừa xách lên nằm văng vãi cạnh thùng rác. Tiếng con gái tôi giằng co: "Mẹ không ăn thì để con ăn, đừng vứt đi, bao nhiêu công sức, tình cảm của bố mẹ con. Và tiếng bà thông gia vọng ra choe chóe: "Ai biết trứng này, gà này có bệnh cúm gà, vi khuẩn hay không. Cô ăn bị bệnh để lây sang cháu tôi, con tôi à. Cô định úm cả nhà này à. Chỉ có đồ nhà quê như bố mẹ cô mới tặng quà Tết là thứ vớ vẩn này. Ném hết đi".
Tiếng con gái tôi khóc lặng trong cánh cổng cao sừng sững. Tôi sững sờ cúi nhặt từng củ khoai tây trong thùng rác. Chắc là thời gian qua, con gái tôi đã khổ sở biết nhường nào vì bố mẹ chồng cảnh vẻ, coi khinh nhà nghèo như vậy. Tôi chỉ muốn đạp cánh cổng và lôi phắt con gái ra khỏi cái nhà tù đó.
Tôi phải làm gì để giúp con gái tôi đây?