Xuất hiện tại khoa Nhi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (Long Biên, Hà Nội) là người mẹ và cô con gái đang học lớp 3.
Người mẹ nằng nặc khẳng định với bác sĩ, con gái chị có những vấn đề về tâm lý. Nhiều ngày gần đây, cô bé không chịu ăn uống, không nói, suốt ngày chỉ khóc.
‘Nhìn gương mặt em lúc đó, tôi có cảm giác như gương mặt của một con búp bê đang rơi nước mắt. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện nhưng em chỉ khóc mà không nói’, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, nhớ lại.
Hôm đó, thời tiết khá nóng lại thấy em mặc 2 chiếc áo khá dày, các bác sĩ đề nghị được giúp em cởi bớt áo. Khi kéo tay áo em ra, nữ bác sĩ bất ngờ phát hiện, cánh tay em rất nhiều vết tím bầm, thậm chí, có vết máu đã khô.
Bác sĩ tìm hiểu thì được biết, người mẹ thường xuyên đánh đập em. Từ nhỏ, em sống với bà ngoại vì mẹ em đi làm ăn xa. Đến năm em lên lớp 3, mẹ em trở về. Em rời nhà bà ngoại và về sống cùng mẹ. Tuy nhiên khoảng thời gian ở với bà hạnh phúc, thoải mái bao nhiêu thì ở với mẹ, em áp lực bấy nhiêu.
‘Em chia sẻ, mẹ liên tục buộc em phải học giỏi, để mẹ còn tự hào khoe với mọi người về em. Một lần, em mang về nhà bài kiểm tra điểm 8 trong khi bạn hàng xóm của em được điểm cao hơn, mẹ em đã nổi giận, và bắt đầu đánh em’, bác sĩ Tươi kể lại.
Người mẹ thừa nhận việc mình thường xuyên bạo hành con. Tuy nhiên, chị lý giải, chị trở về sau nhiều năm đi làm ăn xa và vừa xin được công việc mới. Chưa quen với công việc, môi trường mới chị thường xuyên gặp áp lực từ sếp, đồng nghiệp.
Sau những lần đi làm về, chị vô cùng stress. Không có nhiều bạn bè hay những mối quan hệ khác, chị bắt đầu ‘trút’ lên con gái của mình.
|
Khoa Nhi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội |
Cô con gái bất đắc dĩ trở thành nơi để mẹ xả stress. Ban đầu là những lời chỉ trích, quát mắng nhưng thấy con không nghe lời chị dùng biện pháp mạnh hơn với suy nghĩ: ‘Cứ cho ăn đòn là nghe lời hết’.
Đánh con dường như là thói quen của người mẹ này khiến con gái chị sợ hãi, ngày càng thu mình lại.
Cô bé chia sẻ với bác sĩ: ‘Mẹ nói con lau nhà, rửa bát… con đều làm nhưng chỉ một lý do nhỏ (như điểm 8) là mẹ đánh sẵn sàng đánh con’.
‘Bạn ấy vừa khóc vừa nói: ‘Mẹ không yêu con’. Em nhớ rõ mẹ đi làm, về nhà lúc mấy giờ, em dậy phải làm những gì… như một sự ám ảnh. Thậm chí, em còn nói, đi làm về, mẹ vui vẻ thì mẹ sẽ vui với em. Hôm nào, mẹ mệt mỏi, áp lực… mẹ sẽ bực tức với em’, bác sĩ Tươi chia sẻ.
Những trận đòn roi, lời mắng chửi của người mẹ đã khiến cô bé 8 tuổi có những cư xử kỳ lạ. Em không còn nói cười, thay vào đó em im lặng và mẹ sai bảo việc gì em đều làm răm rắp như một cái máy. Em cũng không ăn, không uống, chỉ rơi nước mắt. Khiến mẹ em phải đưa đến bệnh viện tâm thần để thăm khám.
Khi trò chuyện, bác sĩ hỏi:
- Con yêu mẹ không?
- Không
- Con yêu ai nhất?
- Bà
- Con thích đọc truyện không? Con thích đọc truyện gì?
- Đọc truyện Doraemon
- Nếu có túi thần kỳ như Doraemon, con sẽ ước gì?
- Được trở về 2 năm trước, để con được về ở với bà ngoại. Con không phải sống với mẹ.
Em bày tỏ nỗi sợ hãi, chán ghét khi phải sống với người mẹ thường xuyên gây áp lực bằng lời nói và đòn roi.
Với trường hợp này, các bác sĩ đã phải làm việc với cả hai mẹ con. Sau khi tư vấn cho cô bé, bác sĩ cũng có buổi trò chuyện với người mẹ. Việc đầu tiên, họ yêu cầu chị chấm dứt những hành vi bạo lực, mắng mỏ con gái.
‘Nếu chị tiếp tục cư xử như vậy, chị sẽ không còn con gái nữa’, là lời nữ bác sĩ khẳng định.
Theo đó, việc đánh mắng vô cớ về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của người con. Khi lớn lên, cô bé cũng có thể sẽ có sự cư xử lệch lạc với các mối quan hệ xung quanh.
‘Chúng tôi nói với người mẹ, thay vì tôn trọng con như một người bạn, chị lại cho mình quyền ban phát tình cảm cho con. Khi vui, chị ban cho con chút vui vẻ, khi bực tức chị sẵn sàng trút lên người con, bắt con chịu đựng.
Chị hãy tưởng tượng con gái cũng như chị ở công ty, chị đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn bị chửi mắng, thậm chí là đánh đập thì chị có giận giữ, buồn bã, chán nản hay không?
Ngoài ra, người lớn thường có khả năng kiểm soát cảm xúc, nhiều kinh nghiệm đối phó với áp lực. Nhưng các con đang trong quá trình phát triển, tính cách chưa hoàn thiện, rất khó để vượt qua.
Khi không được cha mẹ hỗ trợ đồng hành, lại gặp áp lực lớn các bạn sẽ tìm cách để thoát ra khỏi tình trạng này bằng việc sa đà vào mạng internet, dễ rơi vào các mối quan hệ chứa nhiều nguy cơ.
Tình trạng này kéo dài, nhiều bạn sẽ có nguy cơ bị trầm cảm, thậm chí tìm cách hủy hoại bản thân, lúc này hậu quả sẽ rất nặng nề.