Bác sĩ Sakako Hibino cho biết cô phải vật lộn với chứng béo phì và phù nề từ khi còn nhỏ. Trong thời gian du học ở Mỹ năm 36 tuổi, cô đã tăng 17kg. Vào thời điểm đó, nữ bác sĩ đã thử rất nhiều công thức giảm cân nhưng đều thất bại. Khi áp dụng phương pháp keto, cô thực sự đã giảm được cân nhưng lại gặp một vấn đề nghiêm trọng. Cô bị đột quỵ nhẹ sau thời gian dài ăn keto và sau đó tăng cân trở lại.
Bác sĩ Sakako Hibino chỉ ra rằng chế độ ăn keto khiến cô tiêu hao quá nhiều mỡ trong cơ thể. Lượng đường trong máu luôn được hạn chế ở mức thấp làm mất cân bằng nội tiết và gây ảnh hưởng đến thần kinh, nguyên nhân chính khiến cô bị đột quỵ. Ngoài ra, khi mất đi một lượng estrogen, các dấu hiệu lão hóa bắt đầu xuất hiện sớm hơn dù cô chưa bước vào thời kỳ mãn kinh.
Nữ bác sĩ cũng thừa nhận rằng mình dễ mất tỉnh táo vì muốn làm mọi cách để có cơ thể đẹp. Dù có hiểu biết về y học nhưng cô cũng từng thử qua không ít cách giảm cân thiếu khoa học. Cuối cùng, nữ bác sĩ quyết định điều chỉnh vóc dáng bằng cách ổn định nội tiết tố và kiểm soát vi khuẩn đường ruột.
Trong giai đoạn giảm cân, bác sĩ Sakako đã ăn 5 bữa mỗi ngày và dành 15 phút tập các bài giãn cơ để ổn định tinh thần và duy trì nội tiết. Ngoài ra, cô còn giảm bớt gia vị trong các món ăn và ăn sữa chua ấm trước khi đi ngủ.
Việc ăn sữa chua ấm tạo ra lợi khuẩn cho đường ruột. Đây là yếu tố quan trọng giúp cơ thể cô tạo ra hệ vi khuẩn lành mạnh, giúp giảm cân.
Nghiên cứu của Trường Đại học Y khoa Washington (Mỹ) cho thấy, ngoài men vi sinh và vi khuẩn xấu, trong đường ruột còn có 2 loại vi khuẩn đặc biệt là Firmicutes (vi khuẩn béo) và Bacteroidetes (vi khuẩn nạc).
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ vi khuẩn nạc trong người và chuột béo phì khá thấp, trong khi tỷ lệ vi khuẩn béo lại cao hơn. Nghiên cứu trên nhiều trường hợp cụ thể, các nhà khoa học phát hiện ra vi khuẩn nạc tăng thì cân nặng của những người này giảm xuống.
Vi khuẩn béo sẽ kích thích ruột phân hủy và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng không cần thiết hơn. Từ đó gây ra béo phì. Trong khi đó, vi khuẩn nạc sẽ ngăn chặn các axit béo tự do xâm nhập vào tế bào mỡ và đưa chúng đến các tế bào cơ để cơ tiêu thụ. Nhờ vậy mà cơ thể tránh được bệnh béo phì.
Trong sữa chua có chứa vi khuẩn nạc và các dưỡng chất cần thiết cho loại lợi khuẩn này. Tuy nhiên, hoạt động của vi khuẩn nạc thường rất thấp trong điều kiện lạnh nói chung. Vì vậy, ăn sữa chua lạnh sẽ làm giảm lượng vi khuẩn nạc, khiến khả năng giảm cân không đạt hiệu quả tối đa. Tuy nhiên, khi làm ấm sữa chua ở mức 38 độ C, tương đương với nhiệt độ của ruột, lúc này hoạt động của vi khuẩn nạc là cao nhất. Nó sẽ sinh sôi nảy nở trước khi ăn và ức chế sự tích tụ mỡ sau khi ăn.
Bác sĩ Sakako Hibino cũng khuyến cáo mọi người nên ăn sữa chua ấm khoảng 2 tiếng trước khi ngủ vì đây là thời điểm chức năng đường ruột bắt đầu suy giảm, vi khuẩn tạo nạc có thể hỗ trợ hoạt động của đường ruột.
Để hâm nóng sữa chua, bạn cần cho sữa chua vào hộp chịu nhiệt rồi bỏ vào lò vi sóng 500W và quay trong vòng 40 giây.