Vô sinh vì áp lực
Kết hôn với nhau được hơn 2 năm nhưng không có con. Vợ chồng chị Hằng đã đi khám vô sinh hiếm muộn, kết quả kiểm tra không có gì bình thường. Chị Hằng buồn bã vì lúc nào cũng bị mang tiếng có thể do ngày chưa kết hôn vợ chồng chị từng sống thử và chị sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết đó không phải là lý do.
Áp lực mang thai ngày càng tăng, chị Hằng luôn cảm thấy căng thẳng. Chu kỳ rối loạn, lúc nhanh, lúc chậm.
Vợ chồng lại tìm tới bệnh viện khác để khám. Bác sĩ cho biết hai vợ chồng chị Hằng phải thay đổi lối sống. Trước đây, chồng chị làm việc chủ yếu là tối. Ngày nào anh cũng thức tới 2,3 h sáng mới đi ngủ.
Lối sống của chồng không khoa học, cộng thêm áp lực công việc của chị Hằng và áp lực chuyện có con nên gia đình khá căng thẳng. Vợ chồng chị Hằng quyết định làm thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, hai chu kỳ làm thụ tinh nhân tạo đều thất bại.
Đến khi chị Hằng chán nản buông chuyện có con thì tin vui lại đến. Chị kể “tôi thực sự mêt mỏi và nghĩ mình cần buông bỏ, giảm stress. Đặc thù công việc áp lực, tâm lý lúc nào cũng nghĩ đến có thai nên càng mong càng không có. Khi đó, tôi có cảm giác mình muốn buông hết, khi nào ông trời cho, con sẽ đến”.
|
Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng - Ảnh bệnh nhân tới khám tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. |
Sau khi "buông" 4 tháng sau, chị Hằng thấy người mệt mỏi, nôn nao, đi khám thì bác sĩ cho biết chị đã có thai 6 tuần. Sau sinh bé Thành Chung được 11 tháng, chị Hằng lại tiếp tục mang bầu và chỉ trong 4 năm, bà mẹ này từ mang tiếng vô sinh đã có 2 đứa con kháu khỉnh.
Lối sống hiện đại gia tăng vô sinh
Theo Ths.Bs. Nguyễn Anh Tú, Phó trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tỉ lệ vô sinh theo thời gian tăng ngày càng cao. Bên cạnh việc đời sống được nâng cao thì một phần lối sống không tốt là nguyên nhân của vô sinh. Bác sĩ Tú cho biết việc tiếp xúc với hóa chất, cách sinh hoạt, ăn uống…. ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.
Một trong nguyên nhân đó là chế độ ăn (sử dụng chất kích thích), thức khuya, công việc căng thẳng…lối sống, quan điểm kết hôn muộn cũng làm tỉ lệ vô sinh tăng cao và đây cũng là nỗi lo thời hiện đại.
Theo định nghĩa của hiếm muộn thì cặp vợ chồng quan hệ tình dục 1 năm thường xuyên mà chưa có thai thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Đó cũng là cơ hội có thể phát hiện sớm qua các biểu hiện như chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, rối loạn, tự nhiên kinh bất thường đau bụng rồi nam giới khi xuất tinh cảm thấy có những sự thay đổi khó xuất tinh, sự cương cứng kém. Hiện nay quan điểm thay đổi thì chúng ta có thể khám tiền hôn nhân (trước hôn nhân) về sức khỏe sinh sản để chuẩn bị tốt nhất.
Bác sĩ Tú cho biết trong nguyên nhân vô sinh, tỉ lệ nguyên nhân ở 2 giới bằng nhau, nữ 40%, nam 40% và 10% do cả hai phía, 10% chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan sinh sản phụ nữ chủ yếu do các vấn đề ở vòi trứng, buồng trứng, hệ nội tiết ở tuyến yên với các bất thường cơ quan sinh dục: tắc vòi trứng (hay gặp), buồng tử cung: polyp tử cung, u xơ tử cung…
Ngoài ra còn có buồng trứng rối loạn phóng noãn, hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, bất thường tử cung. Nam giới thì có bất thường liên quan đến tinh trùng: từ non đến trưởng thành (3 tháng) trong quá trình phát triển đó có thể gặp bất trắc nào đó làm giảm tinh trùng, bệnh hiện nay như viêm tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ…
Nhóm chưa rõ nguyên nhân là có một góc khuất của khoa học mà chúng ta chưa rõ, bệnh nhân đã được xét nghiệm cơ bản, đánh giá buồng trứng, nam giới đã có tinh trùng nhưng không có thai thì xếp vào nhóm chưa rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Tú cho rằng các cặp vợ chồng sau 1 năm chưa có con cần kiểm tra tổng thể để đánh giá tìm nguyên nhân.
Để hạn chế khả năng vô sinh, mọi người cũng cần thay đổi lối sống, tránh thức khuya, hút thuốc lá, bia rượu và đây được xem là tác nhân của hiếm muộn. Nhiều người khi chậm có con, họ áp lực, stress và càng làm cho khả năng thụ thai chậm hơn.
Vì thế, giảm stress chính là cách tốt để tăng khả năng thụ thai.