Ngày 27/4, thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết một trong số 3 bệnh nhân nặng là nữ bệnh nhân số 19 (64 tuổi, ở Hà Nội - bác gái bệnh nhân số 17) đêm 26/4 có sốt nhẹ 37,8 độ C. Hiện bệnh nhân vẫn thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều.
Bệnh nhân được ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết. Tuy nhiên, chỉ điểm rối loạn đông máu của bệnh nhân 64 tuổi, có bệnh lý nền này còn cao hơn mức bình thường, chỉ điểm nhiễm trùng tăng nhẹ trên mức bình thường nhưng có giảm hơn so với trước đó. Bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cai máy thở, tập phục hồi chức năng.
|
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương- Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Được biết, bệnh nhân 19 đã qua hơn 7 tuần điều trị COVID-19 và là bệnh nhân có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam, tính đến thời điểm này. Quá trình điều trị có nhiều điều đặc biệt, trong đó sau khoảng 10 ngày vào viện, bệnh nhân trở nặng, được đặt thở máy. Sau đó vài ngày, do suy hô hấp tăng nặng, được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Đến ngày 4/4, bệnh nhân được cai ECMO, chuyển sang máy thở. Tuy nhiên, 4 ngày sau, bệnh nhân đột ngột có 3 lần ngừng tuần hoàn trong đêm. Các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, điều trị giành giật sự sống cho bệnh nhân. Hiện nữ bệnh nhân này đã có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần với virus SARS-CoV-2.
Về bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh tiếp tục dương tính trở lại với SARS-CoV-2, tiên lượng còn nặng, bệnh nhân đang thở máy, can thiệp ECMO. Trước đó, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đây là bệnh nhân rất nặng với một cơ địa nhiều yếu tố kỳ lạ, về mặt y học thì khả năng sống sót rất thấp nhưng được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.
Các bác sĩ xác định, ngoài yếu tố béo phì của bệnh nhân thuận lợi cho virus tấn công mạnh mẽ, bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu rất trầm trọng, kháng các thuốc đông máu đang dùng ở Việt Nam, dù thuốc rất tốt. Ngành Y tế Việt Nam phải đặt thuốc từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân này.