Quả vải chủ yếu bao gồm 85% nước và 16,5% carbohydrate. Một khẩu phần vải tươi 100g cung cấp các chất dinh dưỡng như sau:
Lượng calo: 66kcal
Chất đạm: 0,8g
Carb: 16,5g
Đường: 15,2g
Chất xơ: 1,3g
Chất béo: 0,4g
Ngoài nước, quả vải còn có thành phần chủ yếu là carbs. Một quả vải tươi hoặc khô chứa 1,5 – 1,7g carbs. Phần lớn carbs trong quả vải có nguồn gốc từ loại đường tạo nên vị ngọt của chúng, quả vải tương đối ít chất xơ.
Ăn vải đúng cách để tránh bị "nóng" trong người. Ảnh minh họa
Lợi ích của quả vải đối với sức khỏe
Tăng cường khả năng miễn dịch
Quả vải là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, có tác dụng kỳ diệu trong việc xây dựng khả năng miễn dịch. Trong 100g vải, tức là ăn khoảng 10 quả, nhận được 71,5mg vitamin C, góp phần rất lớn vào nhu cầu hàng ngày (75 - 90mg). Điều này cũng giúp xây dựng khả năng miễn dịch.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food Research International cho thấy nước ép vải thiều probiotic rất tốt cho chức năng điều hòa miễn dịch và hệ vi sinh vật đường ruột. Người ta thấy rằng nước ép vải thiều làm giảm bớt rối loạn chức năng miễn dịch và cải thiện vi khuẩn đường ruột.
Làn da khỏe mạnh
Quả vải cũng giúp làn da trông khỏe mạnh hơn vì nó giúp hỗ trợ sản xuất collagen. Collagen cần thiết để làm cho da trông săn chắc hơn cũng như cải thiện độ đàn hồi. Nó cũng giúp da mau lành hơn và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, còn giúp làm ẩm da, nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Acta Horticulturae.
Giúp gan khỏe mạnh
Polyphenol có trong quả vải giúp hỗ trợ điều trị tổn thương gan. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients cho biết quả vải có thể giúp làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ hoặc tích tụ mỡ trong gan, cũng như rối loạn sinh lý đường ruột, vi khuẩn trong đường tiêu hóa ở những bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Giảm nguy cơ ung thư
Quả vải có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư gan. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, cho thấy chiết xuất hạt vải thiều cũng có thể giúp làm giảm sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt, ngăn ngừa ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư gan và vòm họng...
Giàu chất chống oxy hóa
Chiết xuất quả vải chứa tỷ lệ polyphenol cao và có khả năng chống oxy hóa cao. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food Chemistry cho biết quả vải có chứa epicatechin, giúp ích cho sức khỏe tim mạch và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cũng như đái tháo đường. Nó cũng giàu rutin là chất giúp chống lại các bệnh mạn tính.
Ăn vải thế nào để không bị nóng trong người?
Ăn cả lớp màng trắng bọc ngoài
ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho biết khi ăn trái vải, chúng ta có thể ăn luôn lớp màng trắng bọc ngoài để giảm nóng trong người.
Lớp màng trắng là lớp màng bọc bên ngoài cơm vải khi bóc vỏ cứng ra. Khi ăn vải và cả lớp màng này, cơ thể sẽ hạn chế sinh nhiệt. Tuy có vị hơi chát nhưng nếu ăn cùng với cơm vải thì sẽ thấy ngon và ngọt hơn.
Không ăn quá nhiều vải một lúc
Nếu ăn quá nhiều vải một lúc bạn sẽ có thể có các biểu hiện như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, toát mồ hôi, tim đập nhanh, cổ họng khô rát,... Vì vậy, với người lớn chỉ nên ăn khoảng 10 quả, còn trẻ nhỏ chỉ nên ăn khoảng 3 - 4 quả trong một lần.
Đặc biệt, người mắc các bệnh như tiểu đường, thủy đậu, lẹo mắt, rôm sảy cần hạn chế tối đa việc ăn vải để tránh gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Trước khi ăn vải uống chút nước muối hoặc ngâm vải qua muối
Để hạn chế việc bị nóng trong người do ăn vải, có thể uống chút nước có thêm muối, hoặc canh bí đao, chè đậu xanh, trà thảo mộc lạnh,... trước khi ăn vải. Bên cạnh đó, nếu ăn vải sau khi ăn cơm, cơ thể bạn sẽ tích trữ một lượng muối qua thức ăn nên sẽ không lo việc bị nóng trong người nữa.
Một cách khác cũng có thể thử chính là ngâm phần quả vải chỉ còn cùi vào nước muối loãng khoảng 1 tiếng. Có thể vớt ra cho vào hộp bảo quản kín rồi để ngăn đá tủ lạnh và lấy ra ăn bất cứ khi nào muốn.
Không ăn quả bị sâu đầu, dập nát
Nơi bị dập nát, sâu đầu dễ phát sinh vi khuẩn, nấm có hại cho sức khỏe. Nếu tiếc rẻ ăn những quả vải như vậy, bạn có nguy cơ bị nổi mề đay, bên cạnh đó còn có hiện tượng nôn nao, đau bụng, thậm chí nôn mửa, tiêu chảy.
Khi ăn vải sâu đầu, dập nát, bạn không chỉ dễ bị nóng trong, sinh mụn nhọt mà còn có thể bị ngộ độc. Do đó, tốt nhất bạn nên lựa chọn những quả vải tươi ngon, lành lặn để thưởng thức.
Ăn vải sau bữa ăn chính
Không ít người cho rằng vải ngọt, nhiều đường, nên ăn vào lúc đói để bổ sung lượng đường cho cơ thể đỡ mệt. Tuy nhiên, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho biết đây là suy nghĩ sai lầm.
Ăn vải lúc đói khiến cơ thể được bổ sung lượng đường quá cao, dẫn đến kích thích niêm mạc dạ dày gây đau, viêm, nhiệt hoặc bị say kèm theo các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, cồn cào, buồn nôn.
Để phòng ngừa nguy cơ nóng trong cũng như các vấn đề sức khỏe khác, bạn tốt nhất chỉ nên ăn vải sau các bữa ăn. Thời điểm này trong cơ thể đã tích trữ đủ lượng nước muối qua thức ăn nên ăn cũng không lo bị nóng.