|
Ăn tối cho “kẻ thù” có hoàn toàn đúng? |
Nguy cơ tích mỡ
Thực hiện chế độ giảm cân, từ hai tháng nay chị Ngọc Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định không ăn bữa tối. Chị áp dụng triệt để quan niệm “ăn sáng cho mình, ăn trưa cho bạn và ăn tối cho kẻ thù”.
Thế nhưng, hơn tuần nay, chị bắt đầu bị những cơn đau dạ dày tái phát hành hạ. Nguyên nhân là do dạ dày chị bị “bỏ đói” hơn 15h từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau.
TS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khẳng định quan niệm “ăn tối cho kẻ thù” nên nhiều người chọn phương pháp nhịn ăn đêm không hoàn toàn chính xác.
Bởi theo ông, dinh dưỡng thông thường chúng ta ai cũng có ít nhiều hiểu biết, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu một cách đầy đủ. “Quan niệm này thực ra mới chỉ đưa ra vài chục năm nay trong đó không hoàn toàn đúng cho tất cả các đối tượng”, TS Trương Hồng Sơn khẳng định.
Vị chuyên gia dinh dưỡng này lý giải, ăn đêm có thể gây ra một số nguy cơ: tích mỡ vì cơ thể có nhịp sinh học, trong đó có cả nhịp chuyển hóa. Trong khi đêm cơ thể ở trạng thái nghỉ nếu ăn nhiều thì sẽ tích mỡ trong cơ thể.
Nguy cơ thứ hai mà người ăn đêm đối diện là liên quan tổng năng lượng ăn vào. Thông thường nếu ăn 3 bữa tổng 1800-2500kcal thì 1 bữa ăn vượt từ 600-800 rất dễ.
“Ví dụ 1 bát phở 500kcal thêm 3 cái quẩy thành 700kcal; 3 bữa ăn đó cộng vào thành 2100kcal trong khi với 1 người chỉ cần 1800kcal thì sẽ thừa ngay”, TS Trương Hồng Sơn dẫn giải.
Chưa hết, theo TS Sơn, mọi người hay có thói quen vừa ăn vừa xem tivi trong lúc ăn tối hoặc đang tập trung công việc mà quên mất khối lượng chúng ta ăn vào. Và khi ăn tối nhiều dẫn đến tình trạng sáng ra không đói nên không cần ăn (bỏ bữa sáng).
“Nếu thường xuyên duy trì tình trạng này, với người bị bệnh trào ngược dạ dày thì sẽ càng tăng thêm các triệu chứng xấu”, TS Sơn nhấn mạnh.
Vẫn có lợi ích nếu kiểm soát tốt
Mặc dù ăn đêm đối diện với nguy cơ tích mỡ khiến cơ thể nhanh tăng cân, tuy nhiên, theo TS Trương Hồng Sơn, ăn đêm vẫn có một số lợi ích đó là tăng chuyển hóa cơ bản.
Nghiên cứu ở Mỹ, Anh thực hiện trong 10 năm qua cho thấy, những người ăn đêm với số lượng rất hạn chế thì chuyển hóa cơ bản tăng lên, khả năng cơ thể đốt năng lượng sẽ tăng lên khoảng 150kcal.
Trong khi đó, việc ăn đêm không tốt cho sức khoẻ của đông đảo người dân nói chung thì người gầy hoặc làm đêm nhu cầu về dinh dưỡng cần thì việc ăn đêm lại là giải pháp hữu hiệu. Thậm chí tại một nghiên cứu cho thấy người tiểu đường khi ăn đêm với số lượng vừa phải sẽ giúp chỉ số đường huyết ổn định cả ngày.
“Ngoài ra còn một số lợi ích khi ăn đêm là khi chúng ta tập luyện buổi tối, có 1 nguyên tắc là sau đó 1 quãng thời gian cơ thể cần bổ sung năng lượng để phục hồi, tạo cơ. Nếu không ăn thì phát triển cơ sẽ kém. Vì vậy bên cạnh vấn đề có hại sức khoẻ thì ăn đêm lại có lợi với 1 số người”, TS Trương Hồng Sơn nhận định.
Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu ăn đêm, TS Sơn lưu ý, đừng ăn quá nhiều chỉ nên 150-200kcl. Đó có thể là 1 hộp sữa chua, chút hoa quả hoặc hạt nhẹ nhàng, đừng ăn 1 bữa quá nhiều dầu mỡ.
“Dù là ăn đêm nhưng không nên quá sát giờ ngủ. Người lớn nên ăn trước khi ngủ 60 phút. Thậm chí cần phân biệt giữa đói với khát, nhiều khi bạn tưởng đói nhưng thực tế chỉ cần uống nước là no”, TS Trương Hồng Sơn nói.
Theo ông, đồ ăn có calo đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho bữa đêm gồm: rau củ, quả mọng nước có nhiều chất xơ như táo lê dưa chuột.
Hoặc bữa tối các loại hạt cũng tốt đối với mọi người, trong đó lưu ý không quá 30gram/ngày thì đêm chỉ không quả 15gram (tương đương với nửa vốc tay).
“Trước khi ăn, nên chia để ước lượng khẩu phần tránh cứ thế lấy từ lọ ra ăn luôn khiến không kiểm soát được. Nên tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, rượu, chè cà phê và đồ uống có ga, đặc biệt không ăn nhiều chất ngọt như bánh gato, kẹo…
Tôi nhấn mạnh lại lần nữa, bữa ăn đêm đều có lợi ích và ảnh hưởng khác nhau, mỗi người tùy theo thể trạng của mình để lựa chọn dinh dưỡng phù hợp”, TS. BS Trương Hồng Sơn nói.