Đó là thông tin Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đưa ra buổi họp báo chiều ngày 9/11, tại Hà Nội. Với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo-Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023”, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 sẽ có nhiều chuỗi hoạt động để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về HIV/AIDS.
|
Quang cảnh buổi họp báo. |
Nhóm trẻ tuổi chiếm gần 50%
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong những năm qua, các chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS đạt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) và các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận. Bên cạnh đó, cộng đồng vẫn còn kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV...
ThS Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện toàn cầu có 39 triệu người nhiễm HIV, riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 6,5 triệu người nhiễm HIV, chiếm 16%.
Việt Nam ước tính có gần 250 nghìn nhiễm HIV trên toàn quốc, đã đưa vào quản lý được 231 nghìn người. Ca nhiễm phân bổ tập trung ở các tỉnh phía nam, trong đó 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh.
Một số địa bàn không “trọng điểm” như Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long cũng ghi nhận ca nhiễm HIV tăng liên tục từ năm 2020 đến nay.
“Điều đáng lưu ý là tỷ lệ người nhiễm HIV có nhóm tuổi 16-29 tăng từ năm 2022 đến nay, chiếm gần 50% số người nhiễm HIV được phát hiện”, ông Đức cho hay.
Từ năm 2021, lây truyền qua đường máu giữ xu hướng giảm nhưng đường lây truyền qua đường tình dục chiếm trên 80%.
Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV tăng trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM), chiếm 49% tổng số ca nhiễm và ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm chuyển giới; tỷ lệ người nghiện chích ma túy nhiễm HIV giảm còn khoảng 6%; vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV chiếm 4%.
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người chuyển giới nữ cũng tăng cao. Theo nghiên cứu mới nhất cho thấy năm 2022 ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ này ở Hà Nội là 5,8%. Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2004, có khoảng 6,8% ở nhóm chuyển giới nữ nhiễm HIV, tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như quan hệ tình dục đồng giới nam, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Nguy cơ gia tăng dịch HIV vẫn được cảnh báo, đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa; xu hướng dịch tăng rõ rệt trong nhóm MSM và cảnh báo tăng ở nhóm khác.
Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể…Đặc biệt, xuất hiện cả ở thanh thiếu niên 14 – 15 tuổi.
|
Tiến sĩ Eric Dzuiban, Đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam. |
Khoa học kết thúc lây truyền HIV/AIDS
Đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tiến sĩ Eric Dzuiban đánh giá, Việt Nam là một trong những nước đi đầu nhân rộng, mở rộng phòng chống HIV/AIDS, có thể kể đến là sử dụng dịch vụ dự phòng phơi nhiễm trước HIV (PrEP). Điều này đã góp phần đáng kể công cuộc chấm dứt HIV/AIDS của Việt Nam, năm 2022, tỷ lệ sử dụng dịch vụ này tăng 59,5% nhờ đó số ca nhiễm mới giảm 56%.
Th.S Bùi Hoàng Đức cho biết, tính đến hết quý III đã có 60.020 người sử dụng PrEP ít nhất 1 lần, hơn 80,6% nhóm đối tượng MSM tham gia. Về tình hình điều trị ARV, tính đến ngày 14/9/2023, Việt Nam có 177.009 người điều trị (174.261 người lớn và 2.748 trẻ em) tại 534 cơ sở y tế điều trị HIV với 506 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
|
Thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ về kết quả phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. |
Th.S Bùi Hoàng Đức cho biết, để chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 là rất khó khăn và nhiều thách thách. Thực tế cho thấy, dựa trên phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao (NCMT, MSM, PNBD).
Nguy cơ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex… Khả năng tiếp cận triển khai can thiệp rất khó vì sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh...Khó khăn về nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS.
Nhóm nghiên cứu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có các công cụ để chấm dứt HIV. Việc ngưng lây nhiễm HIV là có thể. Khoa học công nhận: người sống với HIV có tải lượng virus ở mức không phát hiện được (< 200 bản sao/ml) thì không thể lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Khoa học cập nhập: Người sống với HIV có tải lượng virus ức chế ( < 1000 bản sao/mL không thể lây truyền HIV qua đường tình dục). Việt Nam đã được chiến dịch “không phát hiện = không lây truyền (K=K) vào hướng dẫn quốc gia và ký lời kêu gọi hành động đa quốc gia K=K. PrEp và điều trị /K=K là rất quan trọng. WHO khẳng định, đạt ức chế tải lượng virus HIV thì không thể lây truyền và hãy nói không còn.
Nhóm nghiên cứu đưa ra dẫn chứng: đang trong lộ trình chấm dứt AIDS, sydney và amsterdam gần như loại bỏ được HIV. Tại Úc, sử dụng dự phòng PrEp tình huống đã tăng gấp 3 lần ở Úc từ năm 2019 đến năm 2022. Nội thành Sydney đã giảm được 88% số ca HIV mới; Giảm đáng kể số ca sử dụng rộng rãi các biện pháp dự phòng HIV ở nam giới đồng tính và song tính ở Úc.
Tại Hà Lan nhờ nỗ lực tập thể của nhiều tổ chức, nhà khoa học, bác sĩ và những người ảnh hưởng bởi HIV; Trợ cấp ngân sách triển khai PreP, tập trung vào nhóm MSM và chuyển giới... Hiện, Hà Lan chỉ có 9 ca mới ở Amsterdam vào năm 2022, giảm từ 66 ca vào năm 2021 và giảm 95% kể từ năm 2010.
“Tỷ lệ ức chế virus HIV của Việt Nam đạt trên 98%, là quốc gia đi đầu trong công tác phòng, chống HIV. Tuy nhiên, việc phòng chống căn bệnh thế kỷ này tại Việt Nam còn nhiều thách thức, cần phải có sự tham gia hơn nữa của cộng đồng, giảm sự kỳ thị với người nhiễm HIV” - PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết.