6 người nhập viện cấp cứu vì ăn nấm lạ hái trên rẫy

Google News

Sau khi ăn nấm lạ được hái trên rẫy, 6 người ở Đắk Nông có dấu hiệu đau bụng, mệt mỏi phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 19/7, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông), các bác sĩ của đơn vị đang điều trị cho 6 bệnh nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm do ăn nấm lạ.
Theo thông tin ban đầu, sáng 18/7, 6 người (đều trú tại bon Bù Bir, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp) đến Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp với dấu hiệu đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, mệt mỏi…
Qua quá trình thăm khám, bác sĩ chẩn đoán 6 bệnh nhân trên có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm do ăn nhầm nấm có độc.
6 nguoi nhap vien cap cuu vi an nam la hai tren ray
Ăn nấm lạ hái trên rẫy, 6 người phải nhập viện cấp cứu. Ảnh minh họa
Người nhà cho biết, vào chiều 17/7, người dân hái nấm lạ tại một khu rẫy rồi mang về chế biến và ăn cùng nhau. Sau khi ăn, nhiều người có dấu hiệu của việc bị ngộ độc.
Trước sự việc trên, ngành y tế huyện Đắk R'lấp khuyến cáo người dân không hái các loại nấm lạ, nấm có màu sắc bắt mắt để chế biến thực phẩm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc nguy hiểm.
Cách nhận biết nấm độc
Theo TS Nguyễn Thị Chính, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu nấm cho biết, để phòng tránh ngộ độc, không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ...
Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.
Ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc nặng thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan... chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người.
Do đó, biện pháp phòng tránh ngộ độc nấm trở nên rất quan trọng. Nhiều người ăn nấm xong chỉ có cảm giác hơi khó chịu một chút, rồi cơn khó chịu cũng qua. Nhưng 2 ngày sau thì chất độc mới phát tác, không chữa được nữa, rất thương tâm.
Để nhận biết nấm độc, có thể dùng phần trắng của hành lá chà xát lên phần mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu thì nấm đó có độc, còn ngược lại thì nấm không độc.
Ngoài ra, có thể nhỏ lượng nhỏ sữa bò tươi lên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục thì khả năng cao nấm đó có độc. Nấm độc thường có màu sắc khá sặc sỡ, nhiều màu, nổi bật hoặc có đốm màu đen, đỏ, trắng… nổi lên (chủ yếu ở mũ nấm). Mũ nấm có vằn, có hạt, vảy, màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân…
Thông thường các loại nấm độc khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.
Cách xử trí khi bị ngộ độc
Sau khi ăn nấm nếu thấy khó chịu, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, đau bụng, nhìn không rõ phải báo ngay với người nhà và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất (nếu tự đi được).
Khi phát hiện nghi bị ngộ độc do ăn nấm độc phải bình tĩnh, nhanh chóng tìm mọi cách làm cho bệnh nhân nôn ra hết thức ăn như: móc họng, lấy lông gà rửa sạch ngoáy họng, cho uống thật nhiều nước đến khi nôn ra nước trong, sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị.
Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất được theo dõi.
Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm và gửi đi xét nghiệm.
Giang Thu

>> xem thêm

Bình luận(0)