Hái nấm nấu ăn, 8 người ngộ độc
Ngày 14/5, Chi Cục an toàn thực phẩm Hà Giang cho biết, tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, xảy ra 1 vụ ngộ độc nghi do ăn phải nấm độc làm 8 người mắc, may mắn không có trường hợp tử vong.
Theo lời kể của ông Sùng Mí Sính (31 tuổi, trú tại thôn Nà Pinh, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), vào khoảng 12h ngày 11/5/2024: 4 cháu nhỏ rủ nhau ra nương chơi, thấy có cây nấm màu trắng, hình tán ô mọc ở đất cạnh cây ngô, đã hái 3 cây nấm đem về cho ông nội nấu canh ăn lúc 14h cùng ngày.
Nấm mọc vườn ngô nơi các cháu nhỏ đã hái về ăn - Ảnh: CCVSATTP Hà Giang
Sau ăn khoảng 1 giờ, 4 cháu nhỏ là Sùng Thị Pà (6 tuổi), Sùng Thị Liên (5 tuổi), Sùng Thị Ánh Mai (4 tuổi), Giàng Thị Minh (7 tuổi), có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều lần, kèm theo đau bụng, đau đầu, chóng mặt.
Thấy vậy, gia đình đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc cấp cứu và điều trị lúc 19h30 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau đó được chuyển tuyến về Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp tục điều trị lúc 21h cùng ngày.
Ngoài ra 4 trường hợp là Sùng A Thắng (22 tháng tuổi), Giàng Thị Lía (42 tháng tuổi), Giàng Thị Xia (5 tuổi), Sùng Sính Ná (60 tuổi) có ăn ít, được vận động chuyển về Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh lúc 9h30 ngày 12/5. Hiện tại, cả 8 trường hợp được theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh, các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn bình thường, tiên lượng tốt.
Tuyên truyền cho các em học sinh và bà con về cách phòng tránh ngộ độc nấm.
Ngay sau khi nhận được thông tin nghi ngờ ngộ độc xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc đã cử cán bộ đến truyền thông trực tiếp tại Trường học và cho bà con tại thôn về cách phòng tránh ngộ độc do ăn phải nấm độc.
Các chuyên gia Chi Cục an toàn thực phẩm Hà Giang cho biết, vào mùa mưa, là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại nấm. Do đó, các loại nấm có thể xuất hiện nhiều hơn trong môi trường tự nhiên, tăng nguy cơ cho người dân khi thu thập và sử dụng nấm mà không biết chúng có độc hay không. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc do nấm độc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo:
- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả nấm mầu trắng.
- Không ăn thử nấm, dứt khoát không ăn nấm khi còn nghi ngờ (đặc biệt, tất cả các hình thức thử độc tố của Nấm trước khi ăn trong dân gian đều không đúng).
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết cây nấm nên khó nhận dạng nấm độc.
- Nấm tươi tự trồng ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới sẽ gây ngộ độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Cách nhận biết nấm độc
Theo TS Nguyễn Thị Chính, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu nấm cho biết, để phòng tránh ngộ độc, không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ...
Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.
Ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc nặng thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan... chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người.
Do đó, biện pháp phòng tránh ngộ độc nấm trở nên rất quan trọng. Nhiều người ăn nấm xong chỉ có cảm giác hơi khó chịu một chút, rồi cơn khó chịu cũng qua. Nhưng 2 ngày sau thì chất độc mới phát tác, không chữa được nữa, rất thương tâm.
TS Nguyễn Thị Chính cho hay, thời điểm mùa xuân là mùa nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra ngộ độc nấm. Các loại nấm trong tự nhiên, đặc biệt là các loài nấm độc rất ưa ẩm, có mưa… chúng phát triển rất nhanh. Mùa xuân cũng là thời điểm những ca ngộ độc nấm xảy ra nhiều nhất.
Do đó, người dân phải rất cẩn trọng với các loại nấm tự khai thác được trong tự nhiên. Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc do vậy chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm.
Việc cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém trong khi tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc. Nếu không may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Để nhận biết nấm độc, có thể dùng phần trắng của hành lá chà xát lên phần mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu thì nấm đó có độc, còn ngược lại thì nấm không độc.
Ngoài ra, có thể nhỏ lượng nhỏ sữa bò tươi lên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục thì khả năng cao nấm đó có độc. Nấm độc thường có màu sắc khá sặc sỡ, nhiều màu, nổi bật hoặc có đốm màu đen, đỏ, trắng… nổi lên (chủ yếu ở mũ nấm). Mũ nấm có vằn, có hạt, vảy, màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân…
Thông thường các loại nấm độc khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.
Khi có người có biểu hiện ngộ độc nấm cần nhanh chóng gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Cách xử trí khi bị ngộ độc:
- Sau khi ăn nấm nếu thấy khó chịu, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, đau bụng, nhìn không rõ phải báo ngay với người nhà và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất (nếu tự đi được).
- Khi phát hiện nghi bị ngộ độc do ăn nấm độc phải bình tĩnh, nhanh chóng tìm mọi cách làm cho bệnh nhân nôn ra hết thức ăn như: móc họng, lấy lông gà rửa sạch ngoáy họng, cho uống thật nhiều nước đến khi nôn ra nước trong, sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị.
- Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất được theo dõi.
- Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm và gửi đi xét nghiệm.