Mỗi tháng, Tổ chức Y tế Thế giới WHO được báo cáo hàng trăm đợt bùng phát dịch bệnh nhỏ. Qua đó, các nhà khoa học cảnh báo rằng, con người phải luôn sẵn sàng cho những bất ngờ sắp diễn ra. Chính các khía cạnh của cuộc sống hiện đại làm cho chúng ta gặp nhiều rủi ro hơn. Và đây là những lý do:
|
Ảnh minh họa. |
1. Dân số tăng và quá trình đô thị hoá
Đây là cuộc sống chốn đô thị: bạn sống, ăn, làm việc và đi lại trong những khoảng không gian toàn người là người và điều này mang lại cơ hội lớn cho các căn bệnh lây lan qua không khí, nước, muỗi.
Khi dân số tăng lên, số người sống ở thành thị cũng sẽ tăng lên. Theo dự báo của Liên hiệp quốc, đến năm 2050, 66% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực thành thị.
David Heymann, Giám đốc Trung tâm An toàn Sức khoẻ Toàn cầu, nói: "Sự gia tăng dân số khu vực thành thị còn có thể gây ra những vấn đề căng thẳng về vệ sinh. Nhu cầu lương thực tăng dẫn tới số lượng vật nuôi tăng và khoảng cách về không gian sống giữa người – vật ngày càng thu hẹp trong khi động vật vốn là “ổ” của rất nhiều loại bệnh tật như cúm gia cầm, bệnh lao ở gia súc… Đây chính là nguồn lây nhiễm lớn thứ 2”.
Với những người thường xuyên di chuyển giữa 2 khu vực nông thôn - thành thị, nguy cơ nhiễm bệnh và sau đó lây cho người khác sẽ càng cao.
2. Mở rộng môi trường sống
Dân số tăng đồng nghĩa với nhu cầu về đất đai cũng tăng, dẫn tới việc không gian sống được mở rộng sang những vùng đất trước đó chưa có sự xuất hiện của con người, chẳng hạn như rừng. Lãnh thổ mới, sự tiếp xúc với các loài động vật mới chắc chắn sẽ xuất hiện các bệnh nhiễm trùng mới.
"Sốt Lassa là một trong những ví dụ điển hình, xuất hiện khi người dân phá rừng để trồng trọt", Heymann nói. Sốt Lassa là một bệnh do vi-rút lây lan qua tiếp xúc với phân của loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh. Nó có thể gây sốt và xuất huyết trên các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả mắt và mũi. Sự bùng phát dịch bệnh này đã xảy ra ở Tây Phi từ năm 2016.
"Khi rừng bị phá hủy, các loài động vật gặm nhấm sống ở đó không thể tìm được thức ăn và do đó phải đi kiếm ở các khu vực con người sinh sống”, Heymann cho biết thêm.
3. Biến đổi khí hậu
Các bằng chứng vẫn tiếp tục cho thấy biến đổi khí hậu dẫn đến số lượng các đợt nóng và lũ lụt ngày càng tăng, tạo cơ hội cho các căn bệnh như bệnh tả và dịch bệnh từ muỗi gia tăng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ gây ra thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm do sốc nhiệt, suy dinh dưỡng và lây lan các bệnh truyền nhiễm như sốt rét.
4. Sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu
"Con người là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì sự phát triển của ngành du lịch”, Heymann nói. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UN World Tourism Organization), số lượng khách du lịch quốc tế đã đạt kỷ lục gần 1,2 tỷ người vào năm 2015. Đây là năm thứ 6 liên tiếp tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các căn bệnh lây lan từ lục địa này tới lục địa khác.
Heymann nhấn mạnh rằng "tác nhân lây lan qua đường du lịch không chỉ có con người” mà còn qua côn trùng, thực phẩm và động vật ddwwocj vận chuyển giữa các quốc gia. Nói cách khác, đó còn là do các hoạt động thương mại.
5. Xung đột dân sự
Heymann nói: "Bât kỳ một hệ thống y tế nào cũng có thể xử lý được một ổ dịch. Cho nên, vệ sinh kém không phải là lý do duy nhất”. Nhưng nếu một quốc gia đang trên bờ vực đổ vỡ vì bất ổn dân sự, thì khả năng xử lý những vấn đề sức khỏe đột ngột như sự bùng phát dịch bệnh dường như là điều rất khó.
Đại dịch Ebola năm 2014 là một ví dụ điển hình. Trong đại dịch này, ngành y tế Sierra Leone, Guinea và Liberia đã "gần như thất bại". Tình trạng bất ổn trong nội bộ đã cản trở cả ba nước, khiến cơ sở hạ tầng kinh tế và y tế của họ gần như phải xây dựng lại từ đầu, đúng vào lúc Ebola xuất hiện càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
6. Sự thiếu hụt số lượng bác sỹ và y tá ở các ổ dịch
Ngoài hệ thống y tế yếu kém, tại các quốc gia có nhiều ổ dịch, số lượng bác sĩ và y tá khá khiêm tốn. Hầu hết đều có suy nghĩ tìm kiếm triển vọng tốt hơn ở nơi khác.
Ông Heymann nói: "Chúng ta phải giải quyết vấn đề đó bằng cách nhìn thẳng vào thực tế, một số nước thậm chí còn khuyến khích các tài năng y khoa trẻ đi nghiên cứu tại nước ngoài”.