Chế độ ăn uống, thời điểm ăn uống hoặc một số loại thực phẩm có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt, một số thói quen ăn uống không lành mạnh thậm chí còn có thể âm thầm ‘hủy hoại’ cơ thể mà chúng ta không hề nhận ra.
5 thói quen ăn uống âm thầm ''phá hủy'' cơ thể
1. Ăn quá nhiều đường
Đầu tiên, chúng ta cần nhận biết và phân biệt các loại đường. Đường tự nhiên có trong trái cây và các sản phẩm từ sữa không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Tuy nhiên, đường bổ sung được thêm vào thực phẩm và đồ uống để tăng vị ngọt có thể gây hại cho cơ thể.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng đường bổ sung, đặc biệt là trong các loại đồ uống có đường như nước ngọt và nước trái cây đóng hộp,... có liên quan đến tăng cân, làm tăng nguy cơ sâu răng, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và một số loại ung thư như ung thư tuyến tụy, ung thư gan.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nam giới chỉ nên tiêu thụ tối đa 36 gam đường/ngày, còn phụ nữ nên tiêu thụ ít hơn 25 gam đường/ngày.
2. Ăn quá nhiều
Nếu cơ thể xuất hiện tình trạng khó tiêu, đầy hơi hoặc chướng bụng sau bữa ăn, nguyên nhân có thể là do bạn đã ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc.
Nghiên cứu chỉ ra rằng ăn quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa.
Ngoài ra, ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc có thể dẫn đến tình trạng dư thừa calo, từ đó làm tăng nguy cơ béo phì và nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
Để tránh tình trạng ăn quá nhiều, mọi người nên kéo dài bữa ăn trong ít nhất 15-20 phút. Việc giảm tốc độ ăn uống có thể giúp hệ thống tiêu hóa có thời gian gửi tín hiệu no đến não bộ và hạn chế việc ăn quá no.
3. Ăn quá muộn
Nếu bạn ăn quá gần giờ đi ngủ hoặc ăn đêm, điều này có thể gây hại cho cơ thể. Thói quen ăn quá muộn cũng gây trào ngược dạ dày vì hệ tiêu hóa không đủ thời gian tiêu hóa hết thức ăn trước khi đi ngủ.
Nghiên cứu cho thấy việc hạn chế thời gian ăn uống, nghĩa là chỉ ăn trong những khoảng thời gian được chỉ định cụ thể, chẳng hạn như từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, có thể tạo ra những tác động có lợi cho sức khỏe.
Thông thường, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ngừng ăn trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ.
Nếu bạn thấy đói trong khoảng thời gian gần sát giờ đi ngủ hoặc đói vào ban đêm, bạn cần đánh giá và thay đổi thói quen ăn uống vào ban ngày để đảm bảo bản thân đã ăn đủ khẩu phần và ăn cân bằng các chất dinh dưỡng. Bởi, việc ăn đúng và đủ dinh dưỡng sẽ giúp bạn giữ đủ năng lượng cả ngày và đêm.
4. Ăn không ăn đủ chất xơ
Việc bỏ qua ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau củ có thể khiến cơ thể không nhận đủ chất xơ. Chất xơ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.
Chất xơ "nuôi" các lợi khuẩn trong đường ruột, hỗ trợ giảm cân và giảm cholesterol xấu LDL trong máu.
Do đó, ăn không đủ chất xơ khiến cơ thể gặp nhiều vấn đề về tiêu hóa hơn, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mỡ máu.
Để tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống, mọi người nên ăn thêm trái cây hoặc rau quả trong cả bữa chính và bữa ăn nhẹ, thay các loại ngũ cốc tinh chế thành ngũ cốc nguyên cám, đồng thời tăng cường ăn thêm các loại hạt tốt cho sức khỏe.
5. Ăn quá nhiều mỡ động vật
Chất béo có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như chất béo có trong quả hạch và hạt đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, chất béo có nguồn gốc từ động vật có thể phá hủy cơ thể nếu tiêu thụ quá mức.
Chất béo bão hòa là loại chất béo thường được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt đỏ, sản phẩm từ sữa (kem, bơ, phô mai),... có thể tác động tiêu cực đến hệ tim mạch nếu sử dụng quá nhiều.
Một chế độ ăn giàu chất béo bão hòa có thể làm tăng tổng lượng cholesterol, làm tăng lượng cholesterol LDL có hại cho sức khỏe.
Lượng cholesterol xấu cao có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ.
Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người nên hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa. Lượng chất béo bão hỏa chỉ nên chiếm dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ mỗi ngày.