Cam vào vụ giá rẻ, lại ngon ngọt, nhiều người ăn cam no mà không biết chán. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người khỏe mạnh dù có thích cũng không nên ăn quá 2 quả cam/ngày. Bởi nếu ăn nhiều hơn số đó, (khoảng từ 4 - 5 quả cam mỗi ngày) sẽ dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều chất xơ. Điều này không có lợi cho cơ thể, cụ thể gây khó chịu cho dạ dày, dễ bị chuột rút, tiêu chảy, đầy hơi…
Theo các nghiên cứu, việc hấp thụ quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến chứng ợ chua, nôn mửa, mất ngủ và đau tim…
|
Ảnh minh họa |
5 tác dụng phụ đáng sợ nếu thường xuyên ăn quá nhiều cam
Nguy cơ xuất huyết sau phẫu thuật
Trong nước cam có chứa thành phần acid citric với hàm lượng tương đối cao. Chúng thường tồn tại dưới dạng muối natri citrat (chất thường dùng để chống đông máu). Chất này sẽ tạo phức với ion Ca++, do đó cản trở quá trình tạo prothrombinase và thrombin, là những yếu tố quan trọng tham gia trong quá trình đông máu.
Vì thế, những người sau phẫu thuật đường tiêu hóa như dạ dày, ruột... ở các vết mổ chưa hoàn toàn hồi phục, thậm chí cả ở các trường hợp có các vết viêm loét có nguy cơ xuất huyết... nếu ăn các loại quả cam quýt cũng phải thận trọng để tránh hiện tượng chảy máu ở chỗ bị tổn thương.
Tăng nguy cơ viêm loét dạ dày
Nước cam tốt cho sức khỏe với điều kiện dùng đúng lượng và đối tượng. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên uống nước cam. Bởi trong nước cam chứa axit, các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng viêm loét trầm trọng hơn.
Tăng nguy cơ sỏi thận
Nhiều nghiên cứu cho thấy khi ăn cam với số lượng lớn, nguy cơ mắc bệnh sỏi thận sẽ tăng cao hơn so với bình thường. Lý do chính bắt nguồn từ lượng vitamin C dồi dào trong những tép cam mọng nước có thể làm tăng và kết tủa sỏi oxalat trong đường niệu vì thế mà các bạn có nguy cơ bị sỏi thận khi, nhất là khi lạm dụng trong thời gian dài.
Tương tác với thuốc chữa bệnh
Vitamin C trong cam cũng được biết đến như một kẻ gây rối khi thường xuyên tham gia vào phản ứng của cơ thể với các loại thuốc. Trường hợp đáng chú ý nhất có thể kể đến là nó làm ảnh hưởng tới công dụng của thuốc làm loãng máu.
Gây mòn men răng
Cam còn có tác dụng phụ khác đối với cơ thể là làm mòn men răng, mặc dù ít xuất hiện nhưng không có nghĩa là nó chưa từng xảy ra. Trong các trường hợp bị mòn men răng, một tỉ lệ nhỏ người bệnh nói rằng họ thường xuyên ăn cam, có thể chính axít trong cam làm men răng mất đi và răng cũng bị mòn.
Lưu ý:
Dù cam có ngọt cũng không ăn vào lúc đói vì trong cam chứa một lượng đường và axit rất cao. Bạn nên ăn cam vào lúc không no, không đói, sau bữa ăn khoảng 1 đến 2 giờ.
Không ăn cam vào thời điểm trước khi đi ngủ, do cam có tác dụng sinh tân dịch lợi tiểu, dễ gây đi tiểu đêm làm mất giấc ngủ ngon của bạn.
Nếu vắt nước cam để uống thì không nên để nước cam ở một nhiệt độ quá cao hay quá lâu trong tủ lạnh vì sẽ mất hết các chất dinh dưỡng cần có, đặc biệt là vitamin C, thậm chí sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa, phản tác dụng vốn có.