Bên cạnh các loại gia vị như mắm, muối, bột ngọt... thì dầu ăn cũng là một nguyên liệu không thể thiếu để làm nên các bữa ăn ngon.
Dầu ăn có vai trò cung cấp các axit béo thiết yếu để cơ thể tăng trưởng, da mịn màng, ít viêm nhiễm và hoàn thiện chức năng sinh sản tốt hơn...
Dầu ăn rất tốt nhưng cũng rất độc. Nếu bạn sử dụng chúng một cách kém khoa học, dầu ăn sẽ bị biến đổi và đe dọa sức khỏe của cả gia đình.
Sử dụng một loại dầu duy nhất
Tuy có thành phần giống nhau nhưng thực tế mỗi nhà sản xuất lại cho ra dầu ăn có giới hạn chịu nhiệt khác nhau.
Do đó, đối với những món chiên hay rán, các bà nội trợ nên chọn những loại dầu có sức chịu nhiệt cao như dầu cọ, dầu dừa hay các loại mỡ như: bò, lợn,...
Hiển nhiên, đối với những món xào đơn giản, chỉ cần những loại dầu có khả năng chịu nhiệt nhẹ hơn như dầu làm từ đậu phộng, cám gạo, ô liu hay đậu nành.
Và còn các món trộn hay nấu, các bà nội trợ chỉ cần một loại dầu có độ chịu nhiệt kém như dầu đay, dầu tía tô, dầu ô liu nguyên chất,...
Đổ dầu mỡ xuống ống thoát nước
Bạn thường xử lý thế nào với lượng dầu ăn còn thừa sau khi chiên rán, xào nấu? Hầu hết chúng ta đều sẽ đổ số dầu mỡ đó xuống ống cống hoặc bồn rửa bát mà không biết thói quen này rất có hại.
Theo như chuyên gia cho biết, không nên đổ dầu mỡ, chất béo xuống ống thoát nước. Lý do bởi dầu mỡ sau khi được sử dụng sẽ chứa rất nhiều vụn thức ăn, có độ bám dính cao.
Nếu bị đổ xuống ống cống, chúng sẽ đông lại, kết dính thành mảng, bám chặt trong đường ống, khiến việc thoát nước trở nên chậm hơn hoặc gây tắc cống.
Sử dụng dầu ăn bị hỏng
Những chai dầu kích thước lớn thường là lựa chọn của các gia đình vì chúng tiết kiệm thời gian mua sắm, hơn nữa lại có giá thành rẻ hơn nhiều so với việc mua lẻ từng chai nhỏ.
Tuy nhiên, bạn không nên ham rẻ mà chỉ nên mua loại dầu phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
Dầu ăn sau khi mở bao bì, có thể hết hạn và bị hỏng, với dấu hiệu là xuất hiện mùi hôi, màu dầu bị đục, đậm hơn so với khi mới mua.
Đặc biệt, dầu có những hình nổi li li trên bề mặt, xuất hiện nấm mốc ở phía trong chai dầu. Nếu có dấu hiệu này bạn tốt nhất nên vứt bỏ ngay để không gây hại sức khỏe.
Dùng dầu ăn ở nhiệt độ cao
Đây là một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải khi cho dầu vào nồi và chờ dầu sôi đến bốc khói mới cho thức ăn vào để chiên, xào. Các nhà khoa học cho rằng, dầu ăn khi đun nóng trên 180 độ C sẽ khiến dầu biến chất sinh ra các chất độc hại.
Nhiệt độ cao không những làm ảnh hưởng, phá vỡ chất dinh dưỡng có trong dầu ăn và còn sản sinh ra các chất độc là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư.
Đặc biệt là ung thư trực tràng, ung thư gan, phổi, vú. Ngoài ra chúng còn có nguy cơ làm giảm miễn dịch của cơ thể do dư thừa lipid...
Để an toàn, bạn có thể dùng chảo hay nồi để trên bếp cho tới khi nóng già rồi mới đổ dầu vào và chế biến. Trong quá trình chiên rán, nên để nhiệt độ vừa phải, để thực phẩm chín sâu và dầu không bị cháy.
Dùng dầu ôliu để xào nấu
Khi nhắc đến dầu ôliu chị em thường sẽ nghĩ ngay đến làm đẹp, vì đây là loại dầu chưa qua quá trình tinh luyện hoàn toàn, chỉ thuần được chắt lọc từ nước ép của quả ôliu nên mang lại mùi thơm dịu nhẹ, giàu chất kháng khuẩn và hiệu quả chống ôxy hóa cao.
Tuy nhiên, chị em không nên dùng dầu ôliu trong xào nấu vì dễ làm mất đi hàm lượng phenol.
Do đó, để bảo toàn được lượng phenol có trong dầu ôliu chị em có thể kết hợp nó với các món salad và rau trộn sẽ bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe hơn.