34 ngày vừa qua, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các dịch vụ đã được mở cửa hoạt động trở lại. Một số hãng hàng không bắt đầu kế hoạch khai thác thường lệ đường bay quốc tế.
Bất ngờ hôm 29/4, người đàn ông 32 tuổi quê ở Hà Nam trở về từ Nhật Bản dương tính với SARS-CoV-2 sau khi rời khu cách ly tập trung (BN2899).
Tại nơi cư trú, bệnh nhân có tiếp xúc, giao lưu ăn uống, gặp gỡ bạn bè, người quen. Những người tiếp xúc với bệnh nhân sau đó đã trở về các tỉnh, thành phố khác trên các phương tiện như máy bay (đến TP.HCM), ôtô (đến Hà Nội, Hưng Yên).
Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo các tỉnh, thành cùng người dân nâng cao tinh thần phòng, chống dịch.
Khẩn trương truy vết
Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn tìm kiếm những hành khách đi trên chuyến bay VJ3613 từ Nhật Bản hạ cánh sân bay Quốc tế Đà Nẵng ngày 7/4; đề nghị những người này dù đã cách ly tập trung, liên lạc ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, lấy mẫu xét nghiệm và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tỉnh Hà Nam khẩn trương truy vết, thực hiện cách ly tập trung tất cả trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1); thực hiện rà soát các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2), yêu cầu cách ly tại nhà. Cùng với đó, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 1.068 nhân khẩu tại 322 hộ gia đình trên địa bàn thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Với các tỉnh, thành phố có hành khách đi trên các phương tiện, chuyến bay có liên quan đến bệnh nhân ở Hà Nam, Bộ Y tế lưu ý cần thần tốc truy vết, tiến hành cách ly tập trung ngay với tất cả trường hợp tiếp xúc gần (F1) và xét nghiệm xác định nhiễm SARS-CoV-2. Các trường hợp F2 cần theo dõi và quản lý cách ly tại nhà, tuyệt đối không để bỏ sót.
|
Việc khoanh vùng, truy vết được thực hiện khẩn trương sau ca bệnh ở Hà Nam. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Đến tối 29/4, thêm 4 F1 của bệnh nhân 2899 ở Hà Nam mắc Covid-19. Hà Nội có 2 F1 (ở huyện Thanh Trì và Đông Anh), TP.HCM cũng ghi nhận một người nhiễm nCoV ở khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ngoài ra, tại Hưng Yên ngay hôm sau có 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trước tình hình dịch Covid-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các viện đầu ngành giải trình tự gene của những người nhập cảnh gần đây để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Theo đó, kết quả Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy 85,7% mẫu nhiễm biến chủng B117 (biến chủng được phát hiện ở Anh). 14,3% còn lại mang biến chủng B1351 (phát hiện ở Nam Phi).
Bộ trưởng Y tế cũng nhận định với tình hình lây nhiễm hiện nay, có thể thấy trên thế giới, tất cả đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn, mạnh và tàn khốc hơn lần trước. Việt Nam cần cảnh giác, tập trung triển khai tất cả biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để kiểm soát tốt tình hình.
Phong tỏa, đóng cửa dịch vụ
Sau 70 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, việc xuất hiện ca mắc Covid-19 mới ở quận Bình Tân đã khiến cho TP.HCM tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Trong tối 29/4, cơ quan chức năng quận Bình Tân và lực lượng y tế đã thực hiện phong tỏa một khu vực có 19 phòng trọ với 57 người sinh sống thuộc địa bàn khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa.
Theo vị lãnh đạo quận, 6 người tiếp xúc và có liên quan tới ca nhiễm đã được đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung quận Bình Tân. Bình Tân xét nghiệm khẩn cấp 89 người.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị toàn TP nâng mức cảnh báo nguy cơ lây lan lên cao nhất và giao 2 địa phương có F1 khẩn trương khoanh vùng, truy vết những trường hợp.
Chính quyền cấp huyện, xã, các tổ Covid-19 cộng động chủ động rà soát, phát hiện người nhập cảnh trái phép, Công an thành phố xử lý mạnh tay những người cố tình bao che, tổ chức nhập cảnh trái phép.
|
TP.HCM và Hà Nội đóng cửa các dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Cũng trong đêm 29/4, ông Chử Xuân Dũng ký công điện hỏa tốc, bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, những trường hợp không tuân thủ việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định của Bộ Y tế và TP.
Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game từ 0h ngày 30/4.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng ra quyết định tạm dừng các hoạt động quán bar, karaoke, vũ trường từ 18h ngày 30/4.
Đối với các cơ sở dịch vụ khác như quán ăn, nhà hát kịch..., UBND TP.HCM yêu cầu tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định thành phố hiện tại có nguy cơ rất cao lây nhiễm Covid-19. Ngoài ca mắc Covid-19 liên quan bệnh nhân ở Hà Nam, thành phố không loại trừ nguy cơ lây nhiễm từ các ca nhập cảnh trái phép.
Không chủ quan
Trước bối cảnh dịch có nguy cơ bùng phát trở lại, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Quốc phòng rà soát cơ sở cách ly tập trung và có phương án sẵn sàng cho tình huống 30.000 mắc Covid-19.
Đại tá Nguyễn Viết Thắng, Trưởng phòng Quân y, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, cho biết các khu cách ly trưng dụng như trường nghề, nhà ở sinh viên và ký túc xá đã sẵn sàng được kích hoạt trở lại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Hiện, kế hoạch nghỉ phép của các quân nhân quê ở Hà Nam đã bị hoãn để đề phòng lây nhiễm.
Nhận định về ổ dịch từ ca bệnh ở Hà Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Cần hết sức nhanh chóng, thần tốc vì nếu chúng ta chậm 1-2 ngày, dịch sẽ bước sang chu kỳ lây nhiễm mới và công cuộc chống dịch càng khó khăn. Do đó điều quan trọng là phải dập bằng được ổ dịch này ngay".
Theo ông, ổ dịch này liên quan đến nhiều tỉnh thành khác vì bệnh nhân đi taxi, xe khách, có người tiếp xúc đã bay vào TP.HCM. Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có người đi chung chuyến bay ở Nhật về Đà Nẵng hôm 7/4; đi chung xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nam và cách ly chung với bệnh nhân tại khách sạn ở TP Đà Nẵng phải cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm.
Bộ trưởng Long cũng yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội ngay tại xã, riêng thôn Quan Nhân phải phong tỏa.
|
Chính phủ yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: Phương Lâm.
|
Bộ Y tế đã cử GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Hà Nam xét nghiệm, điều trị. Đồng thời, GS.TS Trần Như Dương phụ trách việc tập huấn truy vết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Đối với cá nhân, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần thực hiện nghiêm yêu cầu về an toàn Covid-19; thường xuyên tự kiểm tra và cập nhật kết quả thực hiện trên bản đồ phòng chống dịch Covid-19; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố chỉ đạo hạn chế sự kiện tập trung đông người. Trường hợp để xảy ra lây nhiễm dịch trong cộng đồng trên địa bàn thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Các địa phương có đường biên giới, nhất là biên giới Tây Nam được giao chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh qua đường bộ và đường biển; kiên quyết kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo pháp luật hoạt động nhập cảnh trái phép.
Song song đó, để kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh ngày lễ dài, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành hạn chế tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội để tập trung triển khai thực hiện phòng, chống dịch.
Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu ban quản lý các điểm tham quan, ban tổ chức lễ hội và lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế).
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) yêu cầu người đến từ thôn Quan Nhân (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), thôn Hoàng Xá (xã Tiền Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) và Khu Trung (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội) phải áp dụng biện pháp cách ly tại nhà trong 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Tính đến tối 30/4, Việt Nam ghi nhận thêm 13 ca lây nhiễm thứ phát. 4 tỉnh đang có dịch là Hà Nam (7) , Hà Nội (3), Hưng Yên (2), TP.HCM (1).