|
Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời quá nhiều dẫn đến một số loại ung thư da. Ảnh: WebMD.
|
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn trong lối sống như hút thuốc, uống rượu, không ăn đủ trái cây và rau quả, thừa cân và lười vận động là nguyên nhân gây ra 30-40% các ca chẩn đoán ung thư.
Dưới đây là những thói quen bạn nên dừng lại để giảm nguy cơ ung thư và tăng tỷ lệ sống lâu, khỏe mạnh.
Không bôi kem chống nắng
Hấp thụ ánh nắng mặt trời ở mức độ vừa phải có thể là cách tuyệt vời để có thêm vitamin D. Nhưng tiếp xúc trực tiếp với nó quá nhiều dẫn đến một số loại ung thư da.
TS y khoa Laura Purdy, bác sĩ gia đình được hội đồng chứng nhận ở Fort Benning, Georgia, nói với Best Life: "Chúng ta nên sử dụng một số biện pháp chống nắng trên bất kỳ vùng da hở nào cho dù là đội mũ, mặc áo dài tay hay sử dụng kem chống nắng có chỉ số ít nhất là 30. Việc không bảo vệ da khỏi tia UV có thể làm tăng nguy cơ ung thư sau này".
Bà Bridget Koontz, bác sĩ chuyên khoa ung thư bức xạ của GenesisCare, giải thích tiếp xúc với bức xạ UV gây ra lão hóa sớm, ngay cả khi chúng ta bước vào những tháng lạnh. Vì vậy, dù ở lứa tuổi hay tông màu da nào, mọi người nên bảo vệ bản thân trước ánh nắng mặt trời.
Uống quá nhiều chất bổ sung
“Ăn nhiều canxi có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt", bà Purdy khẳng định.
Theo một nghiên cứu kéo dài 24 năm được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ, lượng canxi tiêu thụ mỗi ngày vượt quá 2.000 miligram có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và các dạng bệnh chết người khác.
Một dữ liệu phân tích tổng hợp được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) vào năm 2019 cho thấy thiếu vitamin D có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư trực đại tràng, loại ung thư gây tử vong thứ hai tại Mỹ.
|
Uống nhiều canxi có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh: Shutterstock.
|
Tuy nhiên, bà Purdy lưu ý nhiều công bố trong số này cần nghiên cứu thêm để xác định độ chính xác. Điều quan trọng cần xác định là bạn đang dùng bao nhiêu chất bổ sung để đảm bảo không nhận quá nhiều (hoặc quá ít) một số chất dinh dưỡng.
Bạn hãy nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ chất bổ sung mới nào.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Thói quen này còn liên quan đến một số bệnh ung thư khác.
"Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư đối với vòm họng, bên trong miệng, thực quản, cổ họng, hệ tiết niệu, thận và hầu hết đường tiêu hóa của bạn, bao gồm gan, dạ dày, tuyến tụy. Thậm chí, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu", bà Purdy cảnh báo.
Vị chuyên gia này cũng cho biết dù sử dụng thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào, hút hay nhai, đều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau.
BS Koontz cho rằng hút thuốc lá có thể làm giảm khả năng chống lại bệnh ung thư của cơ thể. Việc tiếp xúc với khói thuốc có thể gây ung thư và ngăn cản cơ thể chống lại nó. Điều này là do các thành phần độc hại có trong thuốc lá làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, khó tiêu diệt tế bào ung thư.
Uống quá nhiều rượu
Uống rượu nhiều hơn số lượng khuyến cáo mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Vậy uống bao nhiêu rượu được cho là quá nhiều?
Theo Viện Quốc gia về lạm dụng rượu và nghiện rượu (NIAAA), phụ nữ uống rượu không quá 3 ly mỗi ngày và không quá 7 ly mỗi tuần. Nam giới tránh uống nhiều hơn 4 ly mỗi ngày và không uống quá 14 ly mỗi tuần.
"Rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở miệng, cổ họng, hệ tiêu hóa. Ngoài ra, uống nhiều rượu còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan và ung thư vú. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu bạn vừa uống rượu vừa hút thuốc lá", bác sĩ Purdy cảnh báo.