3 ổ dịch Covid-19 ở Việt Nam... ngồi yên là yêu nước

Google News

(Kiến Thức) - Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có tới 3 ổ dịch Covid-19 là Bệnh viện Bạch Mai, thánh đường Hồi giáo tại quận 8, quán bar Buddha. Đã đến lúc phòng bệnh cá nhân lên mức độ cao mới, người dân hạn chế tụ tập nơi đông người.

1 ổ dịch Covid-19 lớn ở Hà Nội, 2 ổ dịch ở TPHCM
Mới đây, Bộ Y tế xác định Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành một "ổ dịch Covid-19", có lây nhiễm chéo với 3 ca bệnh đã xác định và một số ca bệnh khác đang làm xét nghiệm lần thứ 2, bao gồm cả bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế. Hiện có trên 400 người là nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải cách ly sau khi phát hiện 3 ca bệnh tại Bạch Mai.
3 o dich Covid-19 o Viet Nam... ngoi yen la yeu nuoc
Khu cách ly trong bệnh viện. Ảnh minh họa. 
Ngoài ra, thời điểm hiện tại TP.HCM cũng có 2 ổ dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng. Ổ dịch thứ nhất là thánh đường Hồi giáo tại quận 8, TP.HCM (khu dân cư 750 người có đạo ở quận 8). Ổ dịch này xuất phát từ việc bệnh nhân Covid-19 thứ 100 từ vùng dịch Malaysia trở về, cơ quan chức năng đã hướng dẫn ông tự cách ly theo dõi tại nhà. Thế nhưng, trong thời gian từ ngày 04/3/2020 đến ngày 17/3/2020, bệnh nhân vẫn bỏ nhà đi lễ 5 lần/ngày tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar - số 157B/9 Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8, TP.HCM.
Ổ dịch Covid-19 thứ 2 ở TP.HCM là từ những người tham gia trong quán bar Buddha (bệnh nhân Covid-19 thứ 91 phi công VNA người Anh) đã lây lan cho 10 người cùng dự ở quán bar. 
Cách phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
Hiện nay, dịch Covid-19 đã sang một giai đoạn khác, các y bác sĩ đều cảnh báo rằng khả năng nguồn lây nhiễm trong cộng đồng là hoàn toàn khó tránh khỏi, vì thế người dân hạn chế tụ tập nơi đông người.
Theo bác sĩ truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, kịch bản của dịch Covid-19 tại Việt Nam đã bước sang giai đoạn khác. Việc một số ca bệnh không tìm được nguồn lây như ca bệnh số 86, 87 là chưa xác định được nguồn lây hay gọi là ca bệnh số 0.
Với tình hình dịch như hiện nay, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân nên bình tĩnh nhưng không được quá chủ quan và nên phòng bệnh cá nhân. Đã đến lúc phòng bệnh cá nhân lên mức độ cao mới, đây là điều vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, người dân nên cố gắng hạn chế đi lại, tránh những nơi tiếp xúc đông người, giữ khoảng cách với người lạ tối thiểu 1,5 mét. Những nơi như chùa, khu vực tôn giáo tập trung đông người nên cố gắng không đến.
Bác sĩ Khanh cũng lưu ý thời điểm này việc rửa tay cá nhân, đeo khẩu trang được đưa lên mức độ cảnh báo cao hơn vì chúng ta nên chấp nhận có nguồn lây trong cộng đồng và chủ động phòng bệnh cho chính mình, người thân của mình.

Mời quý vị theo dõi video: "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.

Tại cuộc họp chống dịch Covid-19 chiều ngày 24/3, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, cứng rắn hơn nữa trong giai đoạn quyết định sự thành bại của việc chống dịch 19 tại TP.HCM.
Cụ thể trong hai tuần tới, Sở Y tế đề nghị người dân trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế ra ngoài tiếp cận với nhiều người để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Người dân nếu không có việc tối cần thiết thì không ra ngoài, trong trường hợp cần thiết phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách giữa người với người từ 2m trở lên; không tụ tập trên đường phố.
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.

Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)