Những tuần qua, khi Mỹ và châu Âu bắt đầu “thức tỉnh” trước sự nghiêm trọng của dịch Covid-19 và trượt vào một cơn hoảng loạn, thì có điều gì đó rất khác biệt diễn ra ở Hàn Quốc.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hổ trong lúc làm việc ở một trung tâm xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 ở Deagu. Ảnh: Reuters
Gần 2 tháng kể từ khi bùng phát dịch bệnh ở Hàn Quốc, mức độ lo ngại xã hội nhìn chung đã được xoa dịu phần nào khi các ca Covid-19 ghi nhận trong ngày trung bình chỉ ở mức 80-90, thấp hơn nhiều so với hàng trăm ca mỗi ngày trong tháng 2/2020.
Ở thời điểm đáng sợ nhất của dịch bệnh, Hàn Quốc khi nhận 909 ca mới trong vòng 1 ngày (ngày 29/2). Cho tới bây giờ, giới chức vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng, nhưng người dân không cần phải hoảng loạn.
Cuộc sống bình thường đã trở lại ở Seoul
Ở thủ đô Seoul, cuộc sống đã trở lại bình thường dù người dân vẫn rất thận trọng.
Ở công viên, đã có tiếng chơi đùa của trẻ con. Ở siêu thị, kệ hàng không những đã đầy đủ, mà các mặt hàng phòng chống dịch bệnh như nước rửa tay kháng khuẩn thậm chí còn được giảm giá.
Nhiều quán cà phê trong các khu thương mại vẫn đón lượng khách đều đặn và một số người thậm chí còn không đeo khẩu trang khi đi dạo bên ngoài.
Những thông tin cảnh báo trên điện thoại di động từ chính quyền địa phươngvề chi tiết về các ca mắc mới trong khu vực, đã thưa thớt hơn trước rất nhiều.
Hàn Quốc, đất nước vốn thường được nhắc tới trên báo nước ngoài chủ yếu là về xuất khẩu văn hóa hay các thông tin liên quan đến nước láng giềng Triều Tiên, giờ lại thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về một vấn đề hoàn toàn khác.
Các nhà quan sát quốc tế bắt đầu quan tâm: làm thế nào Hàn Quốc, từ một đất nước báo động cao về dịch Covid-19, trở thành “hình mẫu” đáng học hỏi trong việc kiểm soát dịch bệnh. Vậy đâu là lý do?
Quyết liệt “làm phẳng đường cong”
Như nhiều nhà quan sát nhận định, Hàn Quốc đã cực kỳ quyết liệt trong việc xét nghiệm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19.
Đất nước 51 triệu dân này đã tiến hành xét nghiệm tới 20.000 người mỗi ngày và cứ 1 triệu người thì có 3.692 người được xét nghiệm. Bởi vậy tới nay, Hàn Quốc là nước đi đầu thế giới xét trên khía cạnh tỷ lệ xét nghiệm.
Bên cạnh đó, công chúng Hàn Quốc phản ứng với dịch Covid-19 bằng một sự kiềm chế và có kỷ luật. Họ tuân thủ các hướng dẫn về việc giữ gìn vệ sinh và tránh tụ tập đông người. Gần như toàn bộ các sự kiện công cộng ở nước này đã bị hoãn, hủy; mọi người làm việc ở nhà nếu có thể.
Giới chức y tế giữ liên lạc chặt chẽ với cộng đồng, liên tục công bố diễn biến trong việc ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền, chia sẻ hướng dẫn cho người dân về việc làm thế nào để giữ sức khỏe.
Cuộc chiến chưa kết thúc, vẫn phải thận trọng
Tuy nhiên, dù được đánh giá là thành công, cuộc chiến của Hàn Quốc vẫn chưa kết thúc. Từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở Hàn Quốc hồi tháng 1/2020 cho tới nay, phần lớn số ca mắc đều tập trung ở thành phố Daegu, cách Seoul vài giờ lái xe, tuy nhiên vẫn có “cụm ca mắc bệnh” được phát hiện ở khu vực Seoul.
|
Một cặp đôi đeo khẩu trang khi đi bộ trên con phố vắng ở trung tâm mua sắm, thủ đô Seoul, Han Quốc. Ảnh: Reuters |
Một trong những “cụm ca mắc bệnh” được ghi nhận ở một tổng đài chăm sóc khách hành của công ty bảo hiểm và một cụm khác ghi nhận ở một nhà thờ ở ngoại ô phía nam thủ đô Seoul.
Giới chức Hàn Quốc vẫn lo ngại nếu các ca mắc bệnh tại khu vực có mật độ dân cư cao ở thủ đô không được kiềm chế, Covid-19 có thể lây lan vượt tầm kiểm soát và sẽ áp đảo các cơ sở y tế công cộng ở nước này.
Tới nay, cách phản ứng đặc trưng của chính phủ Hàn Quốc, bao gồm ngăn ngừa, phát hiện, khoanh vùng và dập dịch đã giúp họ đảm bảo các “cụm ca mắc bệnh” này đều trong tầm giám sát.
Phương Tây học hỏi được gì?
Nhìn chung, trong việc kiềm chế dịch Covid-19, Hàn Quốc đã làm tốt.
Ngoài các nỗ lực của chính quyền, còn có 1 yếu tố khác góp phần vào sự thành công của Hàn Quốc. Đó chính là “văn hóa tập thể” – điều đôi khi khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái bởi tâm lý không thể làm điều gì đó khiến số đông cảm thấy thất vọng.
Song cách suy nghĩ này lại hữu ích trong bối cảnh khủng hoảng, bởi người ta hoàn toàn “tự nhiên” khi tuân thủ các quy tắc cư xử theo hướng bảo vệ số đông.
Nếu bất cứ ai ở Hàn Quốc coi thường lời kêu gọi giãn cách xã hội, họ sẽ không chỉ bị chỉ trích, mà còn bị coi như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Các nước phương Tây đang thắc mắc rằng liệu họ có thể “sao chép” sự thành công của Hàn Quốc hay không. Điều này đó sẽ đòi hỏi một sự thay đổi về các giá trị và quy tắc cư xử xã hội.
Sự chủ quan mà nhiều nước phương Tây đang phản ứng với thông tin về sự lây lan dịch bệnh Covid-19 không phải là điều ngạc nhiên.
Các xã hội phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới việc nhiều người cho rằng họ - với tư cách là các cá nhân – bằng cách nào đó vẫn an toàn trước rủi ro chung, rằng dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới những người già, những người có sẵn bệnh tật, thì họ cũng vẫn chẳng bị ảnh hưởng.
Virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc – nơi mà nhiều người có thói quen tiêu thụ động vật hoang dã. Bởi vậy nhiều người cho rằng, họ không thể nhiễm virus nếu không có thói quen này.
Quan niệm này là một phần nguyên nhân khiến họ chủ quan và giờ họ phải “trả giá”. Khi Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh, nhiều ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19 ở nội địa mà chủ yếu là các ca ngoại nhập, thì châu Âu đang phải gồng mình chiến đấu với đại dịch./.