Các biện pháp “giãn cách xã hội” mà Việt Nam đang thực hiện nhằm hạn chế hết sức có thể những tiếp xúc gần giữa người với người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tính đến tối 2/4, Việt Nam ghi nhận 227 ca mắc COVID-19, trong đó có 75 người khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong. Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì chúng ta thực hiện các giải pháp chủ động, kịp thời, sớm và hiệu quả.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chủ yếu ngăn chặn nhiễm COVID-19 từ nước ngoài về, ban đầu áp dụng với Trung Quốc, sau là Hàn Quốc, Iran, Ý rồi toàn châu Âu và cuối cùng với mọi quốc gia. Thực tế, nước ta đã làm rất tốt để những người nhiễm COVID-19 không lây lan ra cộng đồng.
Chính vì làm tốt giai đoạn đầu nên chúng ta đã kéo dài được thời gian dịch lây ra cộng đồng. Nhiều nước không kiểm soát tốt giai đoạn đầu nên bùng phát rất nhanh như Ý, Iran hay Châu Âu…
Dù vậy, không có quốc gia nào có thể ngăn triệt để dịch lây ra cộng đồng do không thể quản được hết người từ nước ngoài về. Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định, Việt Nam đã làm tốt nên kéo dài được dịch đến bây giờ với số lượng người mắc ít như vậy, trong khi nhiều quốc gia khi có 100 ca lên 1.000 ca chỉ mất 7 ngày.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, điều rất mừng là mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 trên thế giới đang gia tăng nhưng đến nay Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong, số ca mắc mới cũng tăng chậm hơn rất nhiều. Đây là thành tựu rất lớn của ngành y tế. Đến nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có trên 200 ca mắc COVID-19 - Việt Nam đang đứng thứ 88 nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.
|
Mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 trên thế giới đang gia tăng nhưng đến nay Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong, số ca mắc mới cũng tăng chậm hơn rất nhiều. |
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định, đến nay số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới, bởi chúng ta có những giải pháp phòng chống dịch hiệu quả cao. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 22/1, tới ngày 11/2/2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi.
Bước sang giai đoạn 2, tính từ ngày 6/3 khi phát hiện ca bệnh thứ 17. Tới ngày 19/3 cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1 thì ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca nhiễm bệnh mới.
Từ mốc 100 ca đến 1000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 thì sau 7 ngày có 171 ca, sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì nước ta thực hiện các giải pháp chủ động, kịp thời, sớm và hiệu quả.
Tuy nhiên, Việt Nam giờ đã chuyển sang giai đoạn 3 của dịch với nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao. Bằng chứng từ những ngày gần đây phần lớn các ca mắc đều do lây trong cộng đồng. Do đó, việc thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc là hết sức quan trọng.
|
Khi giãn cách xã hội tốt, dịch sẽ không bùng lên thành ổ dịch lớn, đồng nghĩa chỉ là các đám cháy nhỏ thì hoàn toàn có thể dập được. Ảnh minh họa. |
Việc cách ly xã hội sẽ thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Cụ thể, Chính Phủ yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Khi giãn cách xã hội tốt, dịch sẽ không bùng lên thành ổ dịch lớn, đồng nghĩa chỉ là các đám cháy nhỏ thì hoàn toàn có thể dập được.
Câu chuyện về bệnh nhân số 17, 34, 100, 178,... của Việt Nam là hồi chuông cảnh tỉnh với những ai còn chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh. Điều quan trọng là chúng ta cần rút ra bài học chung về trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân trong cộng đồng, nhất là thời điểm hiện nay khi công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang phải đối mặt với những diễn biến mới nhiều khó khăn, phức tạp.
Hiện nay, phòng chống dịch COVID-19 không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền mà còn là nhiệm vụ của toàn dân, của mỗi cá nhân.
Bản thân mỗi người cần nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, không mất bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp từ phía chính quyền. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “cách ly là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”, phương châm chống dịch của Chính phủ là “khẩn trương, kiên quyết nhưng bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan”. Đây là lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng thực hiện triệt để công tác phòng, chống dịch.
Mời quý vị theo dõi video: "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.
Ngay từ bây giờ, mỗi người có thể “đánh giặc dịch” bằng cách tự bảo vệ mình, người thân và những người sống xung quanh – giữ gìn vệ sinh để không lây bệnh từ người khác và khi mình nghi bị mắc bệnh thì tránh hết sức để không lây cho người khác bằng cách thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly và cách ly, theo dõi y tế, chấp hành đúng các yêu cầu của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch.
Nếu cá nhân mỗi người đều tuân thủ và thực hiện đầy đủ các những nguyên tắc mà các Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đã đưa ra để phòng chống dịch bệnh, chắc chắc Việt Nam sẽ kiểm soát tốt và chiến thắng dịch bệnh COVID-19.