Chiều 12/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, chủ trì buổi hội chẩn về sức khỏe các bệnh nhân Covid-19.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 15 người trong tình trạng nặng. Những trường hợp này có 3-4 bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, suy thận mạn tính... Họ phải thở máy, can thiệp ECMO.
|
Hội đồng chuyên môn của Tiểu ban Điều trị hội chẩn quốc gia về tình hình các bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Lê Hảo. |
Các bệnh nhân đang được điều trị tại 24 cơ sở y tế. Trong đó, trường hợp tiên lượng nặng tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Hòa Vang, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Cũng tại buổi hội chẩn, các chuyên gia dự báo thế giới có khoảng 10% nhân viên y tế mắc Covid-19. Việt Nam ghi nhận 20 nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 trong đợt dịch này.
Bệnh viện Đà Nẵng được coi là "ổ dịch siêu lây nhiễm". Vì vậy, cơ sở y tế này phải tập trung kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây chéo. Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên cả nước chú ý giữ môi trường sạch sẽ, khử khuẩn bề mặt trong phòng bệnh, cầu thang.
Tại buổi hội chẩn, một số bệnh viện đề nghị bổ sung thêm kit xét nghiệm, máy thở, máy oxy liều cao... Hội đồng chuyên môn thống nhất đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở y tế này để đảm bảo việc điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, ngành y tế cần tiếp tục phát huy chiến lược 4 tại chỗ để phòng, chống dịch. Ông đề nghị các cơ sở y tế cử cán bộ đến bệnh viện có kinh nghiệm điều trị người mắc Covid-19. Điều này giúp nhân viên y tế học tập kinh nghiệm điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn, dự phòng khi dịch bệnh kéo dài.